Gỡ nhiều nút thắt
Thống kê của Bộ LĐTB-XH cho thấy, đến năm 2022, cả nước có 1.905 cơ sở GDNN, trong đó có 410 trường cao đẳng; 437 trường trung cấp; 1.058 trung tâm GDNN. Riêng trường nghề ngoài công lập là 683 cơ sở.
Do trải rộng và bao phủ nên quản lý nhà nước đối với trường nghề còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập là do công tác quy hoạch phát triển trường nghề chưa rõ ràng, thiếu định hướng.
Vì vậy, Quyết định 73 về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường nghề giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xem là “kim chỉ nam” để ngành hướng đến mục tiêu năm 2025 giảm 20% số lượng cơ sở trường nghề công lập; nâng tỷ lệ cơ sở trường nghề tư thục, cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%; hoàn thành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở GDNN trên địa bàn cấp huyện nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới...
“Việc sắp xếp lại các trường nghề không phải chạy theo thành tích cắt giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp mà là giải thể hoặc sáp nhập những trường nghề yếu kém”, TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, khẳng định.
Không sáp nhập một cách cơ học
Theo các chuyên gia, Quyết định 73 sẽ mang lại thuận lợi cho hệ thống GDNN, nhưng cần tránh duy ý chí, áp đặt chủ quan, sáp nhập một cách cơ học. Những trường trung cấp công lập phát triển ổn định, chất lượng được xã hội thừa nhận, có khả năng tự chủ cao cần giữ nguyên hoặc nâng cấp thành trường cao đẳng.
Sinh viên nhóm ngành sức khỏe, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trong giờ thực hành |
“Việc sáp nhập, quy hoạch các trường nghề, nhất là nguồn lực đất đai do các trường đang sử dụng rất lớn. Vì vậy các địa phương, bộ ban ngành cần thận trọng, tính toán sử dụng hợp lý phần đất dôi dư do giải thể, sáp nhập. Nếu quản lý không chặt chẽ rất dễ xảy ra lợi ích nhóm, mất nguồn lực cho ngân sách nhà nước”, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT lưu ý.
Phó Chủ tịch Hội GDNN TPHCM Trần Anh Tuấn cho rằng, tinh gọn hệ thống trường nghề theo hướng vừa chuyên sâu vừa mở rộng xã hội hóa là đúng đắn. Tuy nhiên, để làm được việc này, bộ ngành liên quan phải tính toán cụ thể thị phần của thị trường lao động giai đoạn mới. Chẳng hạn, phải tính được nhu cầu nhân lực lao động trình độ cao đẳng, trung cấp nghề… từ đó mới quy hoạch chuẩn xác hơn số trường, ngành nghề cần thiết cho sự phát triển của tỉnh thành, khu vực.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm khẳng định, thời gian qua, thành phố đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại các cơ sở GDNN trên địa bàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ sở dạy nghề; thúc đẩy phát triển cơ sở GDNN có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả.
Qua đó, đã sắp xếp từ 517 cơ sở GDNN (năm 2015) còn 370 cơ sở GDNN (năm 2022); tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng các trường được lựa chọn xây dựng trường chất lượng cao, trường có nghề trọng điểm, gắn với các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố thời gian tới như công nghệ thông tin, truyền thông, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa - robot, y tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng, du lịch...
“Thực hiện chương trình nâng cao chất lượng GDNN, phấn đấu đến năm 2025 sáp nhập ít nhất 50% trường trung cấp vào trường cao đẳng hoặc sáp nhập trường cao đẳng hoạt động không hiệu quả vào trường cao đẳng hoạt động hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề”, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết.
TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM:
Sớm ban hành bộ tiêu chí sàng lọc khi sáp nhập
Việc sắp xếp lại các cơ sở GDNN là phù hợp, tuy nhiên, Bộ LĐTB-XH, nhất là TPHCM cần cẩn trọng. Đối với các trường hoạt động không hiệu quả, yếu kém cần giải thể hoặc sáp nhập. Với những trường đang phát triển mạnh, hoạt động hiệu quả, chất lượng đào tạo được doanh nghiệp đánh giá cao nên nghiên cứu lại và có lộ trình cụ thể…
Bộ LĐTB-XH cần sớm ban hành bộ tiêu chí sàng lọc khi sáp nhập, không áp dụng một chỉ tiêu chung cho tất cả địa phương, vùng miền.
TS NGUYỄN QUANG TIỆP, Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp quốc tế Khôi Việt, TPHCM:
Tránh quy hoạch mang tính áp đặt
Việc quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở đào tạo, ngành nghề đào tạo là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục những yếu kém và hiện đại hóa cơ sở GDNN, huy động nguồn lực cho GDNN, đặc biệt là với những trường tư.
Tuy nhiên, việc quy hoạch không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật mà phải thể hiện sự hài hòa lợi ích của các bên, từ đó có giải pháp phù hợp, tránh quy hoạch mang tính áp đặt.
Cần xác định mô hình trường, chiến lược phát triển nhà trường, tổ chức bộ máy quản lý, tổ chức đào tạo, sử dụng nguồn lực... sau sáp nhập. Để việc sáp nhập thuận lợi, thành phố cần có tiêu chí cụ thể để hỗ trợ các trường.