Ùn tắc lan ra các con đường lân cận: đường Nguyễn Văn Lạc, Phan Văn Hân, Ngô Tất Tố (khu vực chợ Thị Nghè) và khu vực dưới dạ cầu Sài Gòn, đường Điện Biên Phủ, đường Ung Văn Khiêm...
Ông Trương Đình Hồng (nhà đối diện Bến xe miền Đông) cho biết: “Do lưu lượng xe quá cao trong giờ cao điểm nên đường Ung Văn Khiêm luôn bị kẹt xe. Đoạn đường không dài, nhưng có nhiều khi tôi phải mất hơn 40 phút mới đi qua được. Hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau ở cả 2 chiều, do vậy, cảnh sát giao thông khá vất vả, có khi phải lập nhiều chốt làm nhiệm vụ giữ trật tự giao thông và phải chạy bộ để giải quyết từng xung đột trên đường”.
Từ khi đưa vào sử dụng, đường Nguyễn Hữu Cảnh đã rút ngắn khoảng cách từ khu vực phía Đông và trung tâm thành phố. Tuy nhiên, con đường này bị lún và bị ngập sâu khi mưa lớn, triều cường.
Chính quyền TPHCM và người dân sinh sống dọc tuyến đường này đã phải chống ngập rất vất vả, tốn kém. Nay trên tuyến đường này có thêm nhiều cao ốc đã xây xong hoặc đang xây, càng khiến hạ tầng kỹ thuật đô thị ở khu vực này bị quá tải. Việc sửa chữa nâng nền và mở rộng cống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh để khắc phục là việc cấp bách phải thực hiện.
Từ ngày 5-10, ngành giao thông thiết lập một số rào chắn trên đường Nguyễn Hữu Cảnh và đóng lại nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương để phục vụ việc thi công công trình. Do là ngày cuối tuần, tình hình giao thông khu vực này chưa căng thẳng, nhưng đến ngày 7-10, ngày đầu tuần, trên tuyến đường này và khu vực lân cận đã xảy ra ùn ứ giao thông trầm trọng. Lộ trình giao thông thay thế do Sở GTVT hoạch định chưa ổn định được tình hình giao thông.
Qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều người tham gia giao thông qua khu vực này đề nghị ngành giao thông, cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương cần có giải pháp cấp bách hơn, tăng cường lực lượng nhiều hơn và phân luồng xa hơn.
Ông Trần Thống (nhà ở khu Thanh Đa, phường 28 quận Bình Thạnh) nói: “Thi công sửa chữa, nâng cấp công trình giao thông, thoát nước thì khó tránh được ùn tắc đường. Chúng tôi hoàn toàn đồng cảm và chia sẻ với các cơ quan chức năng liên quan. Mỗi người nên tính toán thời gian, lộ trình, phải chấp nhận đi làm, đi học sớm hơn, xa hơn chút để đảm bảo giờ giấc. Các con tôi đều đi học và làm việc ở trung tâm thành phố, do vậy, dù qua khỏi cầu Kinh là đã đi vào khu vực ùn tắc nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn trong hướng di chuyển. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đi trước thời điểm ùn tắc và về sau thời điểm ùn tắc. Rất mong cảnh sát giao thông luôn có lực lượng túc trực để kịp thời điều phối, phân luồng, hướng dẫn giao thông”.