Vào Google gõ 2 từ “giải cứu”, trong 0,61 giây lập tức có ngay hơn 9,6 triệu kết quả như một ma trận. Từ việc kêu gọi giải cứu các mặt hàng nông sản như dưa hấu, chuối, hành tím, ớt, gừng, cá tra, cá sấu, thịt lợn đến... giải cứu giáo viên.
Để giải cứu nông sản, nhiều hoạt động mang tính nhân văn được phát động, từ kêu gọi, vận động đến quy định chỉ tiêu phấn đấu kiểu như: mỗi giáo viên phải mua ít nhất 10kg thịt lợn/tháng, đoàn viên, thanh niên đi bán dưa hay ăn dưa hấu là yêu nước, thương nông dân, rồi chỉ đạo “bộ đội ăn thịt lợn” để góp phần tiêu thụ lợn. Tình trạng này đã xảy ra mấy năm qua, là câu hỏi cũ chưa có lời giải mới. “Tín hiệu trục trặc” của thị trường nông sản và điểm yếu trong kết nối cung - cầu của nó đã bộc lộ với điệp khúc nông sản “trúng mùa mất giá, được giá hết hàng” trong vòng luẩn quẩn nhiều năm qua.
Nông nghiệp, nông dân gặp khó như hiện nay đã được phản ánh, nhận diện chủ yếu do các nguyên nhân nội tại. Một là, thời kỳ “hái trái ở cành thấp” trong sản xuất nông nghiệp với khai thác tài nguyên sẵn có, nhân công giá rẻ, sản xuất nhỏ lẻ đã lỗi thời. Hai là, những yếu kém nội tại của ngành, đặc biệt thiếu tư duy đổi mới trong nông nghiệp - vốn được ca tụng một thời, đang chậm lại, không thấy những đột phá mới.
Ba là, kênh tiêu thụ, phân phối, phân khúc thị trường nông sản gặp “vấn đề”; năng lực tài chính, quản trị yếu kém của doanh nghiệp, thiếu liên kết giữa các tác nhân nên chưa tạo ra sức mạnh chung trong chuỗi giá trị nông sản. Nhìn tổng thể, các nông sản quốc gia như lúa gạo, thủy sản, cà phê, tiêu, điều, rau quả đang “bị chặt ra” thành nhiều khúc mà phần thiệt thòi nhiều nhất đang thuộc về nông dân.
Xét ở góc độ kinh tế, việc liên tục phải “giải cứu” nông sản thời gian qua đã cho thấy những tồn tại đáng lo ngại của ngành nông nghiệp. Ai cũng biết các quy luật ngàn đời của kinh tế thị trường là quy luật cung - cầu và quy luật giá trị chi phối từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ trên thương trường. Khi không đạt đến “thẻ điểm cân bằng” trong mối quan hệ cung - cầu, hàng hóa sẽ tác động đến giá cả, tác động tiêu cực hoặc tích cực đến sản xuất và tiêu dùng. Cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” là cần thiết, nhưng không thể cứ kêu gọi mãi việc “giải cứu” nông sản. Một xã hội cứ chạy theo việc “giải cứu” thì còn thời gian và năng lượng nào để phát triển? Nền kinh tế không thể vận hành trên cơ sở lòng hảo tâm phi thị trường! Không giải quyết vấn đề gốc rễ này, thì việc “giải cứu” chỉ là “vuốt ở phần ngọn” mà thôi.
Trong khi đó, việc hoạch định cơ chế, chính sách, cách thức quản lý của các cơ quan chức năng dường như vẫn chưa có nhiều thay đổi căn bản đáp ứng kịp với thể chế thị trường hiện đại, còn nặng đường cung, nhẹ đường cầu. Chỉ tiêu phấn đấu của nhiều nơi vẫn còn nặng về lượng, nhẹ về chất nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế dựa trên quy mô số lượng ví như phải sản xuất được bao nhiêu tấn lúa, xuất chuồng bao nhiêu con lợn. Cấp lãnh đạo vẫn quen chỉ đạo nuôi con gì, trồng cây gì bằng điều kiện hiện có mà chưa dựa trên dự báo khoa học từ kết nối cung - cầu và tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu để nắm giữ những phân khúc then chốt của các chuỗi giá trị nông sản.
Để tạo ra nhiều giá trị, lợi nhuận hợp lý cho nông dân và các tác nhân liên quan để họ có thể sống được với nghề, làm giàu được bằng nghề nông, phát triển các dịch vụ nông nghiệp tương xứng; phải chuyển được từ “quyết tâm chính trị”, vận động phong trào, hô hào cứu giúp sang giải “bài toán kinh tế”.
Tư duy về lợi thế cần được thể hiện trong một chiến lược quốc gia để tạo ra sức cạnh tranh hơn là quanh quẩn trong địa giới hành chính tỉnh, huyện như vừa qua. “Chiếc bánh nông sản” cần được chế biến ngon hơn, bán giá cao hơn, lãi hợp lý hơn cho những người làm ra nó. Nông sản có được phát huy lợi thế cạnh tranh hay không bằng chính tư duy, tầm nhìn và cách làm. Đừng mắc kẹt trong chuỗi các cuộc “giải cứu” như thời gian qua.