Vẫn còn những vụ việc chậm giải quyết
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ sớm hoàn thành việc trả lời kiến nghị cử tri, trong đó lưu ý trả lời phải đúng yêu cầu, có giải pháp cụ thể để xử lý, không trả lời chung chung, trích dẫn Nghị quyết Đảng, quy định pháp luật.
Qua 1.396 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện đã tổng hợp được 2.102 kiến nghị. Các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 2.008 kiến nghị được giải quyết, trả lời cử tri đạt 95,53%.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy vẫn còn một số văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị, chỉ trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, hoặc dựa trên báo cáo của cấp dưới.
"Đơn cử như việc cử tri tỉnh Bình Định phản ánh sau hơn 4 năm được công nhận là xã đảo thì chính quyền và nhân dân xã Nhơn Châu, Quy Nhơn chưa được hưởng chế độ hỗ trợ nào của diện xã đảo và đề nghị Bộ Nội vụ sớm xem xét trình Chính phủ cho xã Nhơn Châu được hưởng chế độ. Bộ Nội vụ trả lời: hiện đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chính sách ưu đãi đối với xã đảo. Vấn đề mà cử tri Bình Định nêu là xã đảo Nhơn Châu chưa được hưởng chế độ hỗ trợ của diện xã đảo thì Bộ lại chưa đề cập đến”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bình luận.
Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Nội vụ sớm giải quyết dứt điểm đúng nội dung kiến nghị; xem xét việc đảm bảo quyền lợi của Nhân dân xã đảo trong suốt 4 năm chưa được hưởng các chính sách này.
Có những vấn đề bức xúc nổi lên giữa hai kỳ họp
Nhiều ý kiến tại phiên họp nhận định rằng báo cáo khá toàn diện, đủ điều kiện trình ra Quốc hội, song vẫn cần phân tích rõ hơn các số liệu để có cái nhìn bao quát.
“So sánh năm 2019 với năm 2018 có gì tiến bộ? Số đơn thư, kiến nghị tăng hay giảm, giải quyết như thế nào, chất lượng giải quyết đảm bảo không, tiến bộ hay thụt lùi? Kiến nghị của cử tri chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nào?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu.
Đến dự phiên họp, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ quan điểm này. Theo Phó Chủ tịch nước, giải quyết được tới trên 95% kiến nghị là tỷ lệ rất cao, nhưng chất lượng giải quyết như thế nào? Có những vấn đề gì bức xúc nổi lên giữa hai kỳ họp? Nơi nào làm chưa tốt cần chỉ rõ.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, việc giải quyết tốt kiến nghị của cử tri có tác động rất lớn đến niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
“Cử tri có đặt vấn đề vai trò của Đoàn Đại biểu Quốc hội ở đâu? Dĩ nhiên đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội không phải là cơ quan trực tiếp giải quyết kiến nghị, nhưng có trách nhiệm chuyển tải nội dung kiến nghị cử tri, cũng như đeo bám để giải quyết đến cùng một vấn đề. Ban Dân nguyện cần nghiên cứu thể hiện nội dung này trong báo cáo”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói thêm.
Một mặt ghi nhận báo cáo đã có những dẫn chứng cụ thể, đề cập đến “địa chỉ” cụ thể theo tinh thần “nói có sách, mách có chứng”, mặt khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị quan tâm đến kiến nghị của cử tri về việc thu phí tự động không dừng trong lĩnh vực giao thông.
Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp nhận định: “Qua các kỳ họp cũng như các cuộc giám sát liên quan, cử tri đều có kiến nghị nhưng đến giờ này vẫn không thực hiện được. Bộ GTVT phải làm rõ lý do tại sao”.
Bày tỏ quan tâm đến những vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phản ánh, cử tri kiến nghị cần nhanh chóng giải quyết thanh quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh tả heo Châu Phi.
“Nhiều ý kiến phản ánh công tác giải quyết chi phí này còn rất chậm, thậm chí nhiều trường hợp không được giải quyết. Đây cũng là một trong những lý do khiến người dân không thể nhanh chóng tái đàn, do đó nguồn cung vẫn hạn chế và giá thịt heo không thể giảm”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét.
Vượt qua khó khăn kép
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu có cùng nhận định, năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt, do đó, bản báo cáo không thể chỉ “đều đều, bình bình” mà phải đánh giá đậm nét hơn, nhất là trên hai lĩnh vực: ứng phó với đại dịch Covid-19 và tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước gay gắt chưa từng có ở vùng ĐBSCL.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Chưa bao giờ ĐBSCL bị xâm mặn nặng nề như thế, độ mặn lên tới 9 phần ngàn. Mỗi hộ gia đình chỉ được phát có 60l nước ngọt mỗi ngày để ăn uống, còn tắm giặt và sinh hoạt khác vẫn phải dùng nước mặn. Dịch bệnh Covid-19 lại chồng chất thêm khó khăn”.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng vì người dân Việt Nam đã thể hiện được tinh thần "nhường cơm sẻ áo". Những cây "ATM gạo", thực phẩm, hoạt động cung cấp nước ngọt cho nhân dân… là những hình ảnh đẹp, thể hiện văn hóa chia sẻ của dân tộc ta, không chỉ dành cho đồng bào trong nước mà cả bạn bè quốc tế. Cử tri, người dân cần được biết đầy đủ. Dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, nhưng đây cũng là dịp tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thể hiện sức mạnh của hệ thống chính trị, ý chí của người Việt Nam, tính hiệu quả của y tế cộng đồng…".
* Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; việc phân bổ nguồn tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại chi thường xuyên năm 2018.