Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 - 1-8-2022), phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, về công tác tuyên giáo hiện nay.
Phóng viên: Đồng chí có thể chia sẻ về một số kết quả nổi bật của ngành tuyên giáo trong thời gian gần đây, nhất là trong thời điểm TPHCM căng mình chống dịch Covid-19?
Đồng chí PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ: Năm 2021 là một năm hết sức đặc biệt của TPHCM khi phải căng mình đối mặt đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, ngành tuyên giáo của TPHCM nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách bước vào năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng với đó, ra sức cùng hệ thống chính trị thành phố tập trung phòng chống dịch và ngay sau đó là thích ứng với trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa nỗ lực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội.
Năm 2022, cùng với sự phục hồi tích cực của tổng thể các hoạt động kinh tế - xã hội, hệ thống tuyên giáo thành phố cũng khẩn trương bắt tay triển khai nhiều công việc, mà trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM. Ngành cũng tham mưu tổ chức triển khai các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ TPHCM trong giai đoạn phòng chống dịch và phục hồi kinh tế; kiên quyết, kiên trì thực hiện các kết luận, quy định của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII gắn với việc triển khai Kết luận 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Nhìn lại giai đoạn đầy khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, ngành tuyên giáo thành phố đã có những giải pháp nào giúp trấn an tinh thần, động viên người dân cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh thành công?
Có thể nói, dù không tránh khỏi những lo lắng và lúng túng ban đầu, song đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, góp phần định hướng thông tin, tăng cường đồng thuận xã hội trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố suốt thời gian qua. Trong đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã ban hành kế hoạch chỉ đạo tuyên truyền qua từng giai đoạn phù hợp; xây dựng các kịch bản truyền thông, đặc biệt xuyên suốt trong giai đoạn cao điểm tăng cường giãn cách. Thực hiện tổng hợp thông tin định hướng báo chí; tổ chức họp báo hàng ngày; thông tin tình hình dư luận xã hội và tình hình MXH hàng giờ; cập nhật thông tin và triển khai kết nối với các địa phương, đơn vị bạn để phối hợp thực hiện công tác truyền thông về phòng chống dịch.
Song song đó, chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin đầy đủ, kịp thời các hoạt động, chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố cũng như ghi nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể, các lực lượng chi viện, lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch, chăm lo an sinh xã hội cho nhân dân. Cùng với đó là việc duy trì, mở rộng chuyên mục, tổ chức hội thảo trực tuyến tiếp thu, ghi nhận những hiến kế, góp ý của nhân dân, các chuyên gia, kiều bào đối với công tác phòng chống dịch, các giải pháp chuẩn bị cho việc chuyển sang giai đoạn phục hồi phát triển kinh tế, chăm lo an sinh…
Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
MXH đang phát triển mạnh mẽ và các thế lực thù địch đã lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc sự thật. Trước thực tế đó, ngành tuyên giáo TPHCM có những giải pháp cụ thể nào để ngăn chặn, phản bác thông tin sai sự thật và lan tỏa thông tin tích cực đến với người dân?
Sự phát triển của internet, MXH là cơ hội pha lẫn thách thức đối với công tác tuyên truyền nói riêng và công tác tuyên giáo của Đảng nói chung. Một khi thông tin xấu độc được kẻ xấu sử dụng internet, MXH phát tán thì tốc độ sẽ rất nhanh, phạm vi tác động lớn và tần suất tác động sẽ mạnh. Song, chúng ta có lợi thế hơn khi có các phương tiện tuyên truyền, các cơ quan báo chí, truyền thông chính thống; có đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nếu làm tốt phương châm mỗi người là một tuyên truyền viên thuyết phục.
Như tại TPHCM, cả hệ thống chính trị thành phố đang tích cực triển khai Đề án 05 của Ban Thường vụ Thành ủy về tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, MXH. Ngành tuyên giáo cũng phát huy, tận dụng các lợi thế; tăng cường năng lực dự báo, nắm bắt và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng, làm tốt hơn nữa vai trò thường trực trong tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tăng cường thông tin tuyên truyền tích cực, nhất là trên không gian mạng.
Trước thách thức ngày càng lớn của MXH, người làm công tác tuyên giáo cần trở bộ ra sao để không chỉ đuổi kịp mà còn phải đón đầu xu hướng?
Đây là một đòi hỏi rất đúng, không chỉ cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo mà cả công tác cán bộ nói chung, để luôn thích ứng và đáp ứng thật tốt nhu cầu của thực tiễn đặt ra. Đối với ngành tuyên giáo của Đảng bộ thành phố, chúng tôi luôn coi trọng và tiến hành nhiều công tác để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ. Trong đó, chúng tôi đang rà soát, cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, trước mắt là hệ thống chuyên trách từ cấp quận đến thành phố.
Cùng với đó, luôn quan tâm củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tuyên giáo “có nghề” - vừa có trình độ chuyên môn phù hợp, vừa có trình độ và bản lĩnh chính trị. Đặc biệt là việc đảm bảo các kỹ năng cần có của người cán bộ tuyên giáo. Đó là kỹ năng tư duy, nói, viết, tham mưu thuyết phục, tổ chức công việc chuyên nghiệp, khoa học. Người làm công tác tuyên giáo cũng phải biết sử dụng công nghệ và vận dụng vào công tác, bổ sung cho năng lực thực hành, nhất là năng lực phân tích, phán đoán, dự báo và đề ra được cách thức giải quyết phù hợp cho những dự báo đó. Đồng thời, phải biết phát huy đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà trí thức, đội ngũ văn nghệ sĩ cùng chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, tài nguyên, hiến kế cho ngành tuyên giáo… Muốn làm được điều đó hiệu quả, chắc chắn không chỉ nội bộ ngành tuyên giáo mà rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy TPHCM, các cấp ủy; sự hỗ trợ, phối hợp nhịp nhàng, tích cực của các ngành và sự đồng thuận của nhân dân.
Thời gian tới, ngành tuyên giáo TPHCM sẽ ưu tiên những nhiệm vụ trọng tâm nào?
Từ nay đến hết năm 2022 và những năm tiếp theo, ngoài những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt như đã nêu, ngành tuyên giáo TPHCM cũng tập trung nắm chắc và dự báo sát, đúng tình hình tư tưởng nhân dân, nghiên cứu dư luận và tâm trạng xã hội. Đặc biệt, kịp thời xử lý thông tin và định hướng tư tưởng dư luận gắn với giải quyết tốt các vấn đề mà nhân dân thành phố đã sẻ chia, hiến kế cũng như những sự việc bức xúc của nhân dân, các vấn đề nhạy cảm, phức tạp phát sinh, song song với đổi mới công tác tuyên truyền; thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
“Luôn tự hào, kế thừa và phát huy truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng, nhất là của Đảng bộ TPHCM vinh dự mang tên Bác - Thành phố anh hùng, đội ngũ cán bộ tuyên giáo thành phố sẽ không ngừng trau dồi lý tưởng, son sắt niềm tin; rèn luyện phẩm chất đạo đức; nâng cao năng lực công tác và chất lượng tham mưu. Ngành tuyên giáo của Đảng bộ TPHCM cũng luôn chủ động, sáng tạo, đổi mới phương pháp tuyên giáo, tăng tính chiến đấu và thuyết phục, năng lực dự báo và giải quyết tình hình với tinh thần “đi trước, đoán trúng, giải pháp hay”, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh. |