Giải quyết tận gốc vấn nạn thực phẩm giả

Thời gian qua, thực phẩm giả và kém chất lượng vẫn tung hoành trên thị trường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này như: các đối tượng lợi dụng cơ chế thông thoáng để trục lợi, năng lực và nhân lực thực hiện công tác hậu kiểm vừa yếu vừa thiếu, nguy cơ từ mua bán hàng qua mạng, sự dễ dãi của người tiêu dùng…

Cơ quan chức năng kiểm tra, khảo sát chất lượng thực phẩm tại chuỗi siêu thị Mega Market (TP Thủ Đức, TPHCM) dịp Tết 2025
Cơ quan chức năng kiểm tra, khảo sát chất lượng thực phẩm tại chuỗi siêu thị Mega Market (TP Thủ Đức, TPHCM) dịp Tết 2025

Thẩm định trên giấy tờ, hồ sơ luôn “đẹp”

Khi cơ quan công an triệt phá đường dây sữa bột giả quy mô cực lớn, rất nhiều người bệnh giật mình và lo ngại cho sức khỏe. Ngay sau đó, đường dây thuốc giả tại Thanh Hóa và thực phẩm chức năng (TPCN) giả tại Hà Nội bị phát hiện càng khiến người dân hoang mang... bởi đụng đâu cũng sợ đồ giả.

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Dược TPHCM, Việt Nam đang chịu gánh nặng bệnh không lây nhiễm ngày càng nghiêm trọng, là thách thức của nền y tế và kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ ăn uống, thực phẩm bẩn, hóa chất, môi trường ô nhiễm… “Ngộ độc thực phẩm, thực phẩm giả còn xảy ra rầm rộ nghĩa là cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm (ATTP) hoạt động chưa hiệu quả. Hậu quả trước mắt là người dân sống trong bất an và mất lòng tin. Nếu không có giải pháp cải thiện, trong tương lai, gánh nặng bệnh tật sẽ tiếp tục đè nặng người dân và ngành y tế”, BS Nguyễn Hoài Nam nói.

Theo các chuyên gia, việc thực phẩm giả trà trộn trên thị trường có một phần nguyên nhân từ những bất cập trong cơ chế quản lý. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự công bố sản phẩm, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm. Thủ tục tự công bố khá đơn giản, hồ sơ không phức tạp và không mất phí, doanh nghiệp có thể sản xuất ngay mà không cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ. Một số doanh nghiệp đã lách luật, tự công bố các sản phẩm thuộc nhóm đáng lẽ cần phải được cơ quan quản lý thẩm định, gây xáo trộn thị trường và đe dọa sức khỏe người sử dụng.

Tuy nhiên, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TPHCM phân tích, dù là cơ chế tự công bố hay cơ quan chức năng công bố thì cũng chỉ là trên giấy tờ, chất lượng sản phẩm vẫn sẽ không bảo đảm nếu khâu hậu kiểm không tốt. Bà Phong Lan chỉ rõ việc khi thẩm định trên giấy tờ, đa số hồ sơ đều “vở sạch chữ đẹp”; đến khi hậu kiểm, thanh tra, vốn thuộc về trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành địa phương lại đối mặt với không ít khó khăn. Tính riêng tại TPHCM, mặc dù có hơn 200 thanh tra viên bố trí trên địa bàn nhưng vẫn quá tải trước nhiệm vụ hậu kiểm 296.000 hồ sơ sản phẩm (kể cả sữa và TPCN). Ngoài hạn chế về nhân lực, thực tế còn nhiều rào cản, khó khăn về quyền hạn thanh tra, kiểm tra, kinh phí thực hiện lấy mẫu và năng lực kiểm nghiệm.

Giám đốc Sở ATTP TPHCM cho rằng, muốn làm tốt công tác hậu kiểm, cần thay đổi phương thức thanh tra, kiểm tra, tăng cường nguồn nhân lực, quyền hạn xử lý và cả chi phí kiểm định. Đồng thời, cần chuyển sang xem xét xử lý hình sự với những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATTP.

Truy quét thực phẩm giả

Thống kê xử lý vi phạm của Cục ATTP những năm qua cho thấy, từ năm 2021 đến nay, chỉ có 2 hành vi vi phạm về kiểm nghiệm bị phát hiện và xử lý; còn lại chủ yếu xử phạt vi phạm về nhãn dán, quảng cáo, chất lượng, công bố, điều kiện ATTP. Ngay trong thủ tục đăng ký sản phẩm ban đầu, đối với mặt hàng TPCN, cũng chỉ tập trung kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn vi sinh (vi khuẩn, nấm, mốc, độc tố, giun sán...) và gần như không kiểm tra thông tin về thành phần, hàm lượng dinh dưỡng.

Trao đổi với báo chí, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, tình trạng hàng hóa giả không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh tình trạng lách luật, nhiều doanh nghiệp ồ ạt tự công bố sản phẩm nhưng số lượng sản xuất kinh doanh thực tế có thể tăng rất nhiều lần so với số lượng đã công bố. Bà Trần Việt Nga nhìn nhận công tác quản lý gặp khó khăn do số lượng sản phẩm công bố quá lớn, lực lượng hậu kiểm hạn chế, chi phí cho công tác kiểm nghiệm khá cao.

“Chính phủ đang thực hiện các bước về sửa Luật ATTP. đồng thời, Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thắt chặt quản lý, khắc phục những tồn tại; kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư về nhân lực và kinh phí cho công tác hậu kiểm”, bà Nga nói. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ phối hợp các bộ, ngành xây dựng chiến lược quốc gia về ATTP, sửa đổi quy định sử dụng hóa chất trong bảo quản TPCN, đặc biệt là mặt hàng sữa bột.

Trong khi đó, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan phân tích thêm, việc kinh doanh, phân phối sản phẩm hiện nay cũng có nhiều vấn đề. Các sản phẩm giả, kém chất lượng thường được phân phối qua mạng, tạp hóa nhỏ lẻ, ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sản phẩm bán trong hệ thống siêu thị hiện đại, nhà thuốc bệnh viện, chuỗi nhà thuốc là... an toàn. “Tất cả vẫn phải đương đầu với nguy cơ giả mạo hàng có thương hiệu. Hậu quả sẽ to lớn nếu không phát hiện và xử lý kịp thời”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị người tiêu dùng phải tỉnh táo, trang bị kiến thức cần thiết để lựa chọn thực phẩm an toàn, chất lượng. Thực tế, nguy cơ thực phẩm giả hiện hữu rất lớn ở môi trường mua bán qua mạng nhưng hiện chưa có chế tài cụ thể cho các hành vi vi phạm này. “Về lâu dài, chúng ta phải xây dựng văn hóa quảng cáo cho cộng đồng để những quảng cáo lố, quá đà không còn tác dụng”, bà Phong Lan khuyến cáo.

TPHCM liên tiếp phát hiện, xử lý thực phẩm bẩn

Ngày 15-5, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong đó, lực lượng chức năng tạm giữ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc tại TP Thủ Đức trị giá gần 4,5 tỷ đồng, xử phạt số tiền 315 triệu đồng; phát hiện vụ kinh doanh 200 gói kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt 25 triệu đồng; phát hiện gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu tại huyện Củ Chi; phát hiện 18.200 chai bia nhập lậu tại quận 12. Qua theo dõi mạng xã hội, cơ quan chức năng phát hiện hơn 1 tấn khô bò không rõ nguồn gốc đang được kinh doanh trái phép. UBND TPHCM đã ban hành quyết định xử phạt 100 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Nhiều quảng cáo TPCN trá hình

PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, cho biết, một số vi phạm đạo đức phổ biến trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay gồm: quảng cáo sai sự thật, lừa gạt người tiêu dùng; phóng đại công dụng hoặc quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm là thuốc; lợi dụng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ hoặc bệnh viện để đánh vào tâm lý người bệnh. Theo PGS Trần Đáng, có đến 80% quảng cáo sản phẩm phòng, hỗ trợ điều trị bệnh trên mạng xã hội thực chất là thực phẩm chức năng “trá hình”. Không ít người bệnh vì tin vào những quảng cáo này mà tiền mất tật mang.

Phát động đợt cao điểm phòng chống thuốc và TPCN giả

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tình trạng sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, len lỏi trên thị trường do 3 nguyên nhân: thể chế pháp luật tuy tương đối đầy đủ nhưng chưa hoàn thiện ở một số điểm, khâu thực thi còn lỏng lẻo, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp và người tiêu dùng còn hạn chế. Riêng công tác quản lý TPCN hiện nay cũng còn nhiều bất cập, trong đó có việc thiếu cơ chế thu hồi sản phẩm, quảng cáo sai nội dung, cơ sở đăng ký doanh nghiệp quá dễ dàng và hệ thống công nghệ thông tin chưa đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Ông dẫn chứng, có doanh nghiệp chỉ cần 10 triệu đồng vốn điều lệ là thành lập được công ty, nhưng đến khi điều tra thì không tìm được địa chỉ, không có người đại diện.

Trong đợt cao điểm toàn quốc phòng chống thuốc và TPCN giả từ nay đến hết ngày 30-5, Bộ Y tế yêu cầu không để xảy ra tình trạng kiểm tra lập biên bản cho có. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, phải truy xuất đến tận nơi sản xuất, tận nguồn gốc đơn vị nhập khẩu và xử lý đến cùng.

Tin cùng chuyên mục