Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận trong trọn vẹn một ngày làm việc, ngày 6-9. Đây là dự án luật khó, đã được Quốc hội xem xét qua hai kỳ họp mà chưa được thông qua. Vấn đề rất mới trong dự án luật là việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.
Tại dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật phục vụ hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, phương án 3 (xem xét, giải quyết tại toà án) là phù hợp hơn cả.
Sau khi bổ sung giải thích cụm từ “không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm” là: “việc giải trình không có căn cứ pháp luật về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và cũng không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó”. Phương án này quy định: đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình.
Tòa án sẽ ban hành quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp quyết định người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.
Theo UBTVQH, phương án này thể hiện được thái độ mạnh mẽ của nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
Đồng thời, việc giao cho tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.
Về trách nhiệm chứng minh, theo cơ quan giải trình thì phương án này cũng không mâu thuẫn với quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm chứng minh. Luật hiện hành đang quy định người có nghĩa vụ kê khai phải có tránh nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và với phương án nêu trên, quy định này tiếp tục được kế thừa. Mặt khác, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải có trách nhiệm chứng minh tính không hợp lý trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai.
Cũng theo phương án này thì trình tự, thủ tục giải quyết sẽ áp dụng tương tự như trình tự, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân, nên phiên họp có sự tham gia của luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm dân chủ, thận trọng, khách quan và các bên có quyền khiếu nại quyết định giải quyết của tòa án.
Theo hướng đó, quy trình, thủ tục giải quyết loại việc này tại tòa án cũng nhanh chóng; hạn chế làm phát sinh thủ tục xử lý kéo dài và ít gây áp lực trong bối cảnh tòa án đang có dấu hiệu quá tải do phải thụ lý, giải quyết rất nhiều loại vụ việc, vụ án khác.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải ban hành pháp lệnh quy định về trình tự, thủ tục giải quyết cũng như việc thi hành phán quyết của tòa án.