Theo đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP phối hợp với UBND các quận, huyện liên quan giải trình nguyên nhân để xảy ra tình trạng nợ lương người lao động ở một số công ty dịch vụ công ích như hiện nay. Phân tích đánh giá và xác định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng trên. Từ đó, đề xuất biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa vừa chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết tình hình nợ lương người lao động tại các công ty dịch vụ công ích quận, huyện trên địa bàn thành phố
Sở Tài nguyên và Môi trường TP được giao trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính trình UBND TP xem xét duyệt đơn giá thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt năm 2014 - 2016, làm cơ sở quyết toán cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị và giải quyết các tồn đọng liên quan đến nợ lương người lao động trước ngày 25-7-2017.
Trước mắt, thanh toán 50% còn lại của kinh phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của 4 tháng đầu năm 2017 cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM theo quy định. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất trình UBND TP ban hành đơn giá thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo chu kỳ từ 2-3 năm. Trong quá trình thực hiện nếu có sự thay đổi về chính sách pháp luật thì trình UBND TP xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Về phía UBND các quận, huyện: 1, 3, 5, 6, 7, 10, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ nhanh chóng báo cáo UBND TP về kết quả thực hiện công tác đấu thầu, đặt hàng và thanh quyết toán kinh phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ năm 2013 đến nay.
Trước đó, Báo SGGP ngày 6-7 đã có bài viết “Hàng ngàn công nhân vệ sinh môi trường có nguy cơ bị treo lương”, phản ánh tình trạng một số đơn vị công ích không còn khả năng thanh toán chi phí lương cho công nhân, cũng như mua sắm nguyên liệu xăng dầu, trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động vệ sinh môi trường trên địa bàn TPHCM.