Đối thoại đầu tuần

Giải quyết những nguyên nhân gốc rễ, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP trước thềm Tết Nguyên đán 2024, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH-ĐT đề xuất giải quyết những nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý hiện tượng để hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời xây dựng đề án về phát triển doanh nghiệp dân tộc, hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ.

e1f-9600.jpg

PHÓNG VIÊN: Năm 2024, nhiều dự báo cho thấy các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt khó khăn, Bộ trưởng có nhận định gì?

Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: Tôi cho rằng năm nào cũng sẽ có cơ hội và thách thức đan xen, nhưng đúng là năm 2023 và năm 2024 khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong nguy vẫn có cơ. Theo đánh giá của các tổ chức uy tín quốc tế và chuyên gia, Việt Nam đang có một số lợi thế đáng kể như: kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được củng cố. Các ngành kinh tế mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tạo cơ hội các doanh nghiệp Việt Nam hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới. Bên cạnh đó, 16 hiệp định thương mại tự do đã ký kết tạo lợi thế cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh. Vị thế, uy tín và vai trò của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao qua việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc và Mỹ gần đây…

Theo Bộ trưởng, đâu là những giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp?

Tôi cho rằng để trợ lực cho doanh nghiệp thì cần giải quyết những nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý hiện tượng. Cụ thể là cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp có tính chiến lược:

Thứ nhất, nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; giải quyết ngay những bất cập đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần như quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành...; tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết, điều kiện kinh doanh dưới hình thức các tiêu chuẩn kỹ thuật; khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện cơ chế bảo vệ cho cán bộ công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP.

Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, nghiên cứu chính sách giảm tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1%.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước, thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam; nghiên cứu áp dụng mô hình hợp tác công tư, hình thành văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.

Thứ tư, hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Nghiên cứu triển khai kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về việc dùng 100% kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn để hỗ trợ trực tiếp, đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động, chờ đợi thị trường phục hồi.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới; hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

e2b-4825.jpg
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cát Thái, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bộ trưởng có lưu ý nào cho doanh nghiệp?

Bản thân cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực tìm tòi những hướng đi mới đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng; đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.

Bộ KH-ĐT có đề xuất gì để phát triển các doanh nghiệp hàng đầu có khả năng làm chủ thị trường?

Phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp quy mô lớn là một giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tuy chưa nhiều nhưng thời gian qua các doanh nghiệp của chúng ta đã có sự dịch chuyển từ lượng sang chất, nổi lên một số doanh nghiệp tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp hiện đại, có thương hiệu, vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Bộ KH-ĐT đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Đề án dự kiến nghiên cứu, lựa chọn các ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như: điện gió ngoài khơi, sản xuất thép, sản xuất ô tô điện, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp bán dẫn, kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia… Đồng thời, bộ sẽ đề xuất xây dựng một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp quy mô lớn phát triển một phần nguồn lực từ quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Đối với doanh nghiệp quy mô lớn thuộc khu vực nhà nước, ngoài các chính sách hỗ trợ chung nêu trên, Bộ KH-ĐT đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tối đa nguồn lực nắm giữ tại doanh nghiệp nhà nước phục vụ hoạt động đầu tư phát triển. Đó là thực hiện phân cấp mạnh mẽ, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp; đổi mới việc sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp nhà nước để có nguồn lực đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó là đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp (thí điểm thuê tổng giám đốc, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn môi trường - quản trị - doanh nghiệp…

Tin cùng chuyên mục