Thiếu nhà ở bình dân, nhà xã hội
Hiện nay, số vụ khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm 70% trong tổng số các vụ việc khiếu nại. Điều này cho thấy đang tồn tại mâu thuẫn lớn giữa ý muốn, nguyện vọng của nhân dân với chủ trương, chính sách, nhất là trong bồi thường, giải tỏa và thu hồi đất. Vì vậy, việc đánh giá đầy đủ nguyên nhân và có giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ các khiếu nại của người dân là đòi hỏi cấp bách.
Một dự án địa ốc, giá giao dịch ban đầu 1m2 là một thì quá trình làm thủ tục tiếp theo, rồi quy hoạch, thiết kế mà chưa xây dựng hạ tầng đã thay đổi giá nhiều lần. Khi nơi đó hình thành chung cư cao cấp hay biệt thự thì giá cả 1m2 lại tăng nhiều chục lần.
Mặt khác, tình trạng xây dựng không phép, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TPHCM vẫn diễn ra phổ biến, cho dù quy định của pháp luật, chủ trương của chính quyền các cấp là không thiếu. Đa số người dân đều biết xây dựng là phải có giấy phép, và hàng chục năm qua chính quyền các cấp đã xử lý, cưỡng chế không biết bao nhiêu công trình, xử lý hàng loạt cán bộ mà chưa ngăn chặn được. Từ người dân đến quan chức cấp cao đều vi phạm xây nhà trái phép là điều đáng suy nghĩ.
Trong những vấn đề vừa nêu, từ nhỏ đến lớn, từ người dân đến doanh nghiệp, kể cả cán bộ đều có liên quan đến nhà, đất. Tuy nhiên, trong các đối tượng kể trên thì cần quan tâm trước tiên là vấn đề nhà ở cho người lao động. Yêu cầu đặt ra là phải có giải pháp giải quyết nhu cầu về nhà ở, ổn định đời sống cho số đông đó.
Trước tiên chúng ta cần lý giải vì sao hiện nay nhiều người lao động vẫn chưa có nhà ở?
Ở thị trường bất động sản (BĐS) lâu nay có hiện tượng lệch pha cung - cầu, mà chủ yếu lệch về phân khúc BĐS cao cấp, thiếu loại nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại và nguồn vốn đầu tư xã hội cũng lệch về một số doanh nghiệp lớn và BĐS cao cấp. Như vậy, các nguồn lực của xã hội dồn vào lĩnh vực BĐS nhưng doanh nghiệp BĐS chưa quan tâm đầu tư vào phân khúc thị trường nhà ở bình dân cho đại đa số nhân dân, hay nhà ở xã hội cho người nghèo. Một mặt, có một số chủ trương chưa phù hợp và quản lý chính quyền các cấp bất cập; mặt khác hiện tượng đầu cơ BĐS với đích đến là tìm kiếm lợi nhuận tối đa, nên giá cả BĐS không ngừng đẩy lên cao, ngày càng vượt xa khả năng của đại đa số người dân.
Các nhà đầu tư được Nhà nước giao quyền khai thác đất đai. Họ được ngân hàng hỗ trợ vốn đầu tư và hình thành thị trường BĐS mang tính kinh doanh tìm lợi nhuận tối đa và đầu cơ địa ốc không ngăn chặn được. Điều này gây ra sự không công bằng ngay từ khởi đầu, vì tạo ra thuận lợi rộng rãi đối với nhà đầu tư nhưng khiến người lao động gặp muôn vàn khó khăn để có được nhà ở. Dần dần, ngày càng đông đảo người dân bị loại trừ khỏi “cuộc chơi”. Nghĩa là chỉ có một thiểu số quyền lực (doanh nghiệp kinh doanh địa ốc và nhà đầu cơ BĐS) đã loại trừ được số đông người dân không tiếp cận được nhà ở. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần phải thay đổi quan điểm, tư duy về thị trường BĐS để giải quyết nhu cầu nhà ở của đại đa số nhân dân.
Thay đổi chính sách chưa phù hợp
Nhà ở là nhu cầu cơ bản và tối thiểu của mọi gia đình, mọi người dân. Nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh là những nhu cầu cơ bản và tối thiểu mà Nhà nước cần phải đảm bảo. Đó là mục đích phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Đảng và Nhà nước ta. Hơn nữa còn là “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được ghi trang trọng trong Hiến pháp nước ta. Không có nhà ở thì không thể xây dựng gia đình hạnh phúc, mà gia đình là nền tảng của xã hội.
Tiếp tục duy trì chính sách tạo ưu thế cho BĐS kinh doanh thì tình trạng đầu cơ địa ốc vẫn tiếp tục diễn ra. Hệ lụy tất yếu là mặt bằng giá cả đất đai, nhà ở tiếp tục tăng cao và ngày càng vượt quá khả năng của hầu hết người dân. Chỉ khi các chủ trương, chính sách và quy định pháp luật định hướng phát triển đất đai nhằm tập trung phục vụ các công trình công ích, công trình công cộng và nhà ở cho nhân dân thì nhu cầu về nhà ở của người dân mới có thể được giải quyết.
Chúng ta vẫn phải tôn trọng quy luật kinh tế thị trường đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh BĐS. Song, đất đai là hàng hóa đặc biệt, và nền kinh tế thị trường có “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vì vậy, Nhà nước cần có các chính sách phân bổ lại nguồn lực quốc gia một cách hợp lý, trước hết là đất đai, tín dụng ngân hàng... và chính sách điều tiết, như đánh thuế cao đối với những trường hợp kinh doanh, đầu cơ BĐS, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài sản...
Đồng thời không đấu giá đất để bán, mà đấu thầu dự án theo mục đích sử dụng như dự án công trình, dự án xây dựng nhà ở. Sau khi phân bổ ưu tiên cho các công trình công cộng, công trình quốc kế dân sinh cơ bản và đất đai cho nhà ở của nhân dân, mới để một phần cho địa ốc kinh doanh cao cấp.
Ngoài ra, xuyên suốt chủ trương của Đảng lâu nay là thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nghèo, nên cần thiết phải có chính sách tín dụng ưu đãi (kèm chính sách bảo hiểm, như có sức lao động, có việc làm để nuôi sống gia đình và trả nợ) để người dân tiếp cận vốn xây nhà.
Để có thể thực hiện các đề xuất nêu trên thì cần có sự thay đổi chính sách, quy định từ Trung ương. Riêng đối với TPHCM, trong vấn đề này, TPHCM vẫn có thể chủ động thực hiện một số giải pháp. Theo đó, TPHCM vừa được Chính phủ cho phép chuyển đổi hơn 26.000ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Đây là quỹ đất khá lớn nên cần sử dụng một phần để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho người dân theo nguyên tắc đã nêu. Trong các giải pháp thực hiện nhu cầu về nhà ở cũng nên nghiên cứu kinh nghiệm các nước; như Singapore chủ trương người lao động phải trích lại một tỷ lệ tiền lương để tích lũy xây nhà có Nhà nước hỗ trợ, như các nước châu Âu thành lập hợp tác xã (HTX) nhà ở...
Chính quyền TPHCM cũng có thể xem xét giao đất cho các HTX nhà ở, được thành lập với các xã viên là những người đang có nhu cầu bức xúc về nhà ở (với các điều kiện cụ thể, công bằng, như công nhân, lao động nghèo, công chức, sinh viên ra trường khởi nghiệp...). Những xã viên là chủ thật sự của HTX sẽ tham gia kiểm soát quá trình thực hiện dự án, từ nhận đất đai, tín dụng đến đấu thầu thiết kế thi công xây dựng... Sau khi hoàn thành dự án, HTX sẽ tổ chức quản lý khu nhà ở và xây dựng cộng đồng dân cư văn minh, hiện đại.
Hiến pháp nước ta xác định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”. Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương nguyên tắc này, nhưng rất băn khoăn vì sao “nhà nước thống nhất quản lý” mà đông đảo người dân vẫn không có nhà ở, trong khi một số doanh nghiệp tư nhân hay cá nhân sở hữu đến hàng trăm thậm chí hàng ngàn hécta đất? Về vấn đề này, các bộ ngành Trung ương, các nhà nghiên cứu lý luận, pháp luật cần giải đáp thỏa đáng, nếu không thì khó chấm dứt tình trạng người dân tiếp tục khiếu nại về đất đai. Định hướng xã hội chủ nghĩa là phải mang lại công bằng, nghĩa là mọi người dân có sức lao động, có việc làm phải có nhà ở. Nhưng điều này chưa thể hiện trong thực tiễn hiện nay. Bác Hồ nói: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Khi thực hiện chủ trương “Nhà nước thống nhất quản lý đất đai” có thể thiếu các quy định, biện pháp cụ thể vừa phù hợp với phát triển đất nước, vừa đáp ứng với nguyện vọng của nhân dân. Điều đó sẽ điều chỉnh bổ sung không khó. Khó nhất và quyết định nhất là chúng ta có thống nhất quan điểm và ý chí đặt mục tiêu hàng đầu là đảm bảo bất cứ hộ gia đình nào cũng phải sở hữu được nhà ở hay không? Để từ đó luôn luôn khẳng định rằng Nhà nước ta là của nhân dân, do dân và vì dân! |