Đi dọc các con đường mới mở rộng, chỉnh trang như Tân Hóa - Lò Gốm, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt hay xa hơn chút nữa là Hoàng Sa, Trường Sa… chúng ta không khó để nhận thấy những căn nhà siêu nhỏ, siêu mỏng hay những miến đất mặt tiền có vài m² bỏ không chắn ngang căn nhà phía sau…
Có những căn nhà siêu nhỏ được xây sửa lại nhưng cũng có những căn xuống cấp, nhếch nhác vì quá nhỏ không được cấp phép. Còn những miếng đất vài m² do nhà nước quản lý nên không thể cho căn nhà phía sau sử dụng, dẫn đến bỏ hoang, cỏ mọc um tùm hàng chục năm.
Một căn nhà trên đường Lê Văn Sỹ có một mặt hẻm nhỏ, một mặt quay ra đường Trường Sa, và mặt nhà này bị vài m² đất án ngữ. Theo đại diện chủ nhà, phần đất án ngữ này do nhà nước quản lý nên cơ quan chức năng xây lại để tránh bị lấn chiếm.
Đại diện chủ nhà chia sẻ, miếng đất trên bỏ hoang từ bao năm nay nếu nhà nước cho nhà phía sau mua chỉ định để hợp thửa với căn nhà phía sau thì nhà nước có thêm nguồn thu ngân sách, giá trị căn nhà phía sau cũng gia tăng, bộ mặt con đường cũng đẹp hơn.
Nhiều nhà có tình trạng tương tự đã “tận dụng” phần đất dôi dư ra mặt tiền để buôn bán dù không có quyền sở hữu.
Ông Nguyễn Phước Đức, một người dân có nhà trên đường Trường Sa (Quận Phú Nhuận) góp ý, sau khi chừa lộ giới đường dự phóng, hành lang an toàn thoát nước… nếu còn dư đất mà diện tích quá nhỏ thì nhà nước nên cho người dân hợp thức hóa vào phần diện tích nhà liền kề phía sau để họ xây dựng, sửa chữa cho nhà cửa sạch đẹp, góp phần làm đẹp đô thị.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, những căn nhà siêu mỏng, siêu kỳ dị chủ yếu xuất hiện trên những con đường mới chỉnh trang, nâng cấp như nói trên.
Theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố có khoảng 1.000 căn nhà diện tích siêu nhỏ do ảnh hưởng bởi các dự án mở rộng mặt đường, đầu tư hạ tầng... Riêng tại quận Phú Nhuận có khoảng 100 trường hợp nhà dân bị vài m² đất công án ngữ phía trước, và người dân có nhu cầu hợp thửa với phần diện tích nhà phía sau cho “danh chính ngôn thuận”. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn đang xem xét.
Chuyên gia đô thị học Nguyễn Minh Hòa cho rằng, đó là thực trạng tồn tại rất nhiều năm qua ở TPHCM nhưng chưa có giải pháp giải quyết một cách căn cơ.
Theo ông Hòa, nếu những căn nhà siêu mỏng siêu nhỏ ở phía trước do người dân sở hữu thì nhà nước cần có chế độ khuyến khích để họ đổi lại miếng đất khác có giá trị tương ứng, rộng rãi hơn, đảm bảo mưu sinh hàng ngày. Bên cạnh đó, cần có quy định cho hộ phía sau hợp thửa và đảm bảo có trách nhiệm về nghĩa vụ tài chính theo nguyên tắc thị trường trong việc hoán đổi này.
Còn đối với những miếng đất công quá nhỏ thì cần thẩm định giá theo nguyên tắc thị trường để giao đất cho hộ phía sau nếu họ có nhu cầu.