Khi ghé vào trạm xăng ở góc đường Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong (quận 10), tôi thấy có tới 3 người đang xin tiền. Một phụ nữ tay cầm nón lá chìa ra xin tiền. Một phụ nữ khác đang bế đứa bé nheo nhóc, cứ thấy ai móc ví ra trả tiền đổ xăng là áp đến xin tiền. Một người đàn ông lớn tuổi có vẻ mệt mỏi, trên tay cầm xấp vé số ngồi bệt xuống đất, nhưng thực chất cũng chỉ là để khiến người vào đổ xăng cảm thấy thương hại mà cho tiền.
Quan sát tại chợ Trần Văn Quang (phường 9, quận Tân Bình) và một số ngã tư, đoạn đường hay dọc đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2, đoạn bắt đầu lên đường cao tốc) trong những ngày gần đây, tôi cũng thấy xuất hiện nhiều phụ nữ bế những đứa bé nheo nhóc và trẻ em, người lớn tuổi, người khuyết tật lang thang xin tiền người đi đường, thậm chí lao ra khi đèn đỏ, chặn người đi xe máy hay tài xế ô tô để xin tiền, rất nguy hiểm.
Mới đây, tôi có chuyến ra TP Đà Nẵng vài ngày. Đây là TP mà nhiều năm trước đây đã giải quyết căn cơ và rốt ráo tệ nạn lang thang ăn xin bằng nhiều biện pháp triệt để như trả về địa phương cư trú, hoặc đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc nuôi dưỡng. Thế nhưng, hiện nay tại TP này đã “tái xuất” tình trạng người ăn xin.
Giải quyết tệ nạn lang thang ăn xin là vấn đề nan giải, không chỉ với TPHCM mà cả với nhiều tỉnh thành. Ngoài nguyên do thiếu lực lượng chuyên trách để xử lý nhanh, kịp thời người lang thang ăn xin, hiện nay có tình trạng người lang thang ngụy trang đối phó để tránh bị phát hiện đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội, bằng cách cầm trên tay vài tờ vé số hay cây kẹo cao su như là đi bán, nhưng chủ yếu vẫn xin tiền người qua đường.
Cách chấm dứt tệ nạn ăn xin là mọi người không cho tiền, nhưng thực tế nhiều người từ tâm vẫn không khỏi chạnh lòng và sẵn sàng cho họ vài ba ngàn đồng, coi như là cách sẻ chia giúp đỡ người nghèo khó. Thế nhưng, trong số những người ăn xin có nhiều người “ăn xin chuyên nghiệp”, thậm chí giả dạng người khuyết tật hay nhẫn tâm chăn dắt trẻ em để lợi dụng lòng nhân ái của mọi người.
Giải quyết tệ nạn lang thang ăn xin không chỉ là trách nhiệm của ngành LĐTB-XH hay chính quyền địa phương, mà rất cần sự chung tay của cộng đồng, xã hội. Khi phát hiện người lang thang ăn xin, thậm chí nghi ngờ người chăn dắt hay ngụy trang lang thang ăn xin, nên gọi điện báo tin cho chính quyền địa phương. Sự hào hiệp “cho và nhận” cần đúng người, đúng nơi, đúng cách. Một TP hiện đại, văn minh và nghĩa tình, không thể cứ để mãi tiếp tục tệ nạn lang thang ăn xin.