Bản chất của tình trạng này là do thời gian gần đây, một số doanh nghiệp do dự báo sai, trót “ôm” (nhập) lượng xăng dầu lớn để đầu cơ, nhưng qua 4 kỳ giá xăng dầu đều giảm liên tiếp nên giờ bán dè dặt để giảm lỗ; các đầu mối chỉ ưu tiên nguồn cho hệ thống của mình và tiết giảm ra bên ngoài để chờ điều chỉnh lại giá mới. Cũng có thông tin cho rằng, thị trường xăng dầu khan thiếu chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam, là do thời gian gần đây, các đường dây xăng dầu lậu, xăng giả đã bị chặt đứt, nên lợi nhuận không còn như trước nữa.
Nhận định này cũng rất có cơ sở bởi trước đây, dù chiết khấu có thời điểm bằng 0 đồng nhưng doanh nghiệp vẫn có lời. Khi các đường dây xăng dầu lậu bị bóc gỡ thì doanh nghiệp không còn lời, thậm chí lỗ nên không mặn mà trong kinh doanh.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết, nguyên nhân càng bán càng lỗ là do nhà điều hành không tính đúng, tính đủ các khoản chi phí trong cấu thành giá cơ sở xăng dầu. Để giải quyết bất cập này, mới đây, liên bộ Công thương - Tài chính cho biết đã ngồi lại, cùng tính toán, sẽ điều chỉnh lại các phụ phí, chi phí và premium để phản ánh vào giá cơ sở ngay tại kỳ điều hành ngày 11-10, qua đó giúp doanh nghiệp tăng chiết khấu. Liệu giải pháp này có giúp chấm dứt ngay vấn nạn “khan hàng” hay không, có lẽ phải chờ sau ngày 11-10 mới kiểm chứng được.
Về lâu dài, nghịch lý giá xăng dầu sẽ không thể chấm dứt được nếu không làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Công thương. Như tại thời điểm nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu găm hàng để chờ tăng giá, mặc dù Bộ trưởng Bộ Công thương đã chỉ đạo lập đoàn kiểm tra nhưng thực tế chỉ tập trung ở hệ thống hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ mà không thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối, nơi nhập khẩu lượng hàng lớn để làm rõ việc có hay không dấu hiệu thao túng thị trường như phản ánh. Tức là chỉ kiểm tra “phần ngọn” mà không nhắm vào “gốc rễ”.
Chiều 10-10, trả lời báo chí về tình trạng khan hiếm xăng dầu đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công thương. Do đó, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu là thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương và các doanh nghiệp. Quan trọng nhất là cần xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian.
Thêm nữa cần đẩy mạnh kết nối dữ liệu với hải quan để giám sát trực tuyến lượng xăng dầu nhập khẩu theo yêu cầu của Chính phủ, nắm bắt chính xác luồng di chuyển của xăng dầu để không bị lúng túng trong điều hành; đồng thời bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bởi khi giá xăng thế giới giảm thì giá xăng trong nước giảm không tương ứng do phải tăng trích lập quỹ (thậm chí phải bù đắp cho phần âm trước đó).