Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), một trong những nội dung đáng chú ý của Luật An ninh mạng là nghiêm cấm tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội…
Bên cạnh đó, luật cũng quy định, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải thiết lập cơ chế xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản… Quy định này được ban hành nhằm xử lý những đối tượng lợi dụng không gian mạng phá hoại an ninh quốc gia, khối đại đoàn kết dân tộc, trật tự an toàn xã hội.
Liên quan đến dự thảo Luật Đặc khu, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh đề nghị trong thời gian tới, mỗi cán bộ chiến sĩ công an sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để người dân hiểu kỹ hơn về các quy định của dự thảo luật, từ đó có sự đồng tình, ủng hộ nhằm góp phần tạo ra các khu vực có nền kinh tế phát triển ổn định, lâu dài, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.
Liên quan tới tình hình an ninh, trật tự, Bộ Công an cho biết, gần đây, lợi dụng việc Quốc hội khóa XIV đưa ra thảo luận về dự thảo Luật Đặc khu và thông qua Luật An ninh mạng, nhiều đối tượng chống đối trong và ngoài nước đã tổ chức tuyên truyền xuyên tạc trên Internet để kêu gọi, lôi kéo người dân biểu tình phản đối 2 dự luật này, gây phức tạp về an ninh, trật tự ở nhiều địa phương… Cùng với đó, lợi dụng World Cup 2018 đang diễn ra, các hoạt động lợi dụng cổ vũ bóng đá để đua xe máy trái phép, đánh bạc và tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet và các loại tội phạm phát sinh từ cờ bạc cũng có nguy cơ gia tăng và phức tạp.
Trước tình hình này, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, tham mưu giải quyết dứt điểm các vấn đề mâu thuẫn, vướng mắc trong nhân dân, không để xảy ra khiếu kiện, tập trung đông người, biểu tình trái pháp luật và các hành vi quá khích khác.
Cùng với đó là xây dựng các phương án, sẵn sàng phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động biểu tình trái pháp luật, không để xảy ra tập trung đông người để các đối tượng xấu kích động gây phức tạp về an ninh, trật tự. Đồng thời, tổ chức công tác thường trực, ứng trực, đảm bảo phương tiện, lực lượng sẵn sàng triển khai các phương án xử lý tình huống phức tạp về an ninh, trật tự khi có yêu cầu.
Ngày 18-6, Thượng tá Nguyễn Đức Thành, Phó trưởng Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết đã khởi tố Tạ Thành Duy (47 tuổi) và Nguyễn Văn Ý (32 tuổi, cùng trú tại TP Nha trang) về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Hai đối tượng này bị cáo buộc kích động người dân, trực tiếp gây rối, tham gia tuần hành, chặn xe gây ùn tắc, khiến giao thông hỗn loạn ở TP Nha Trang cách đây hơn 1 tuần. Ngoài 2 đối tượng này, Công an TP Nha Trang đang làm việc với hơn 10 người khác có hành vi tương tự để mở rộng điều tra, xử lý.
Chiều 18-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Bình Tân (TPHCM) cho biết vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Trọng Nghĩa (31 tuổi, quê tỉnh Long An) và Phạm Thị Thu Thủy (44 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang) để điều tra, xử lý về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.