Theo hồ sơ, thực hiện Quyết định số 64/1991 của UBND tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau) nhằm chủ trương xã hội hóa nghề rừng, năm 1993, Lâm ngư trường (LNT) Sông Trẹm (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ) lập hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp cho các hộ dân trồng rừng và bảo vệ rừng theo tuyến bờ bao từ kênh 14 đến kênh 25, với diện tích giao khoán bình quân khoảng 10ha/hộ (ngang 100m, dài 1.000m). Tổng diện tích đất giao khoán cho 130 hộ là 1.103ha, thời hạn hợp đồng là 20 năm (từ năm 1993 đến 2013).
Trong quá trình quản lý, các hộ dân không đủ sức bảo vệ và phát triển rừng nên rừng bị nghèo kiệt và để xảy ra cháy rừng. Do đó, đến năm 1996, LNT Sông Trẹm thu hồi lại 500m chiều dài (tương đương 50% diện tích) hậu đất của 130 hộ dân với diện tích gần 530ha. Phần đất này, LNT Sông Trẹm hợp đồng giao khoán và liên doanh liên kết với diện tích 379ha còn lại.
Một góc rừng tràm U Minh hạ. Ảnh: ĐẤT MŨI
Điều đáng nói, việc thu hồi của LNT Sông Trẹm lại không có chủ trương, không có phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, không bồi hoàn cho dân và cũng không thỏa thuận với dân lập lại hợp đồng giao khoán mới. Đến năm 2012 (16 năm sau), người dân các ấp 19, 20 và 21 (xã Khánh Thuận, huyện U Minh) phản ánh LNT Sông Trẹm cắt hậu đất của dân từ 1.000m xuống còn 500m để phân chia cho một số cán bộ và tổ chức. Người dân yêu cầu phải trả lại hiện trạng giao khoán ban đầu cho các hộ dân hoặc cho người dân thuê.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, qua kiểm tra, xác minh cho thấy, LNT Sông Trẹm thu hồi lại phần hậu đất 500m của 130 hộ dân có sai sót về mặt trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, đất này là của LNT Sông Trẹm được Nhà nước giao quản lý, vì vậy đơn vị này có thẩm quyền giao khoán và thu hồi đất. Hiện nay 130 hộ dân (53 hộ đã chuyển nhượng thành quả lao động) yêu cầu được nhận lại 500m đất đã thu hồi trước đây là không có cơ sở thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã gửi báo cáo đến Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan trung ương về hướng giải quyết khiếu nại về điểm nóng này.
Theo đó, sẽ tiến hành hỗ trợ thành quả lao động cho 130 hộ dân. Theo tính toán, mức hỗ trợ bảo vệ rừng trong 3 năm và chi phí thực bì và đào kênh là trên 4,1 tỷ đồng (số tiền này dựa vào điều kiện thực tế, còn trước đó chỉ đưa ra mức hỗ trợ có 337 triệu đồng nên dân không đồng ý).
Ông Nguyễn Tiến Hải cũng cho biết, tỉnh cũng kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo xử lý đối với những cán bộ, đảng viên có khuyết điểm trong việc cắt đất hợp đồng đối với dân và những cán bộ khác có liên quan gây khiếu kiện phức tạp.
Trước đó, làm việc với cơ quan chuyên môn, ông Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo: “Thu hồi lại các phần đất giao khoán không đúng đối tượng, không trực tiếp sản xuất, cho thuê lại, diện tích lớn, những phần đất liên doanh liên kết không đảm bảo theo quy định về quản lý và bảo vệ rừng, hết thời hạn hợp đồng.
Trên cơ sở quỹ đất của đơn vị, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ kết hợp với chính quyền địa phương xem xét lại từng trường hợp cụ thể, tiếp tục giao khoán cho các hộ thật sự có nhu cầu và thực hiện việc trồng rừng tốt. Không xem xét lại những trường hợp chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng…”