Sáng 30-8, tại Hội trường Thống nhất (TPHCM), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tham dự có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và TPHCM.
Ngoài ra còn có sự tham dự của 108 vị chức sắc, chức việc của 43 tôn giáo và các chức sắc tôn giáo là ĐBQH khóa XV.
Tôn giáo tín ngưỡng đều hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúa Giesu dạy đạo đức là bác ái, Phật Thích Ca dạy đạo đức là từ bi, Khổng Tử dạy đạo đức là nhân nghĩa. Lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định thắng lợi”. Theo Thủ tướng, lời dạy của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị, về sự thống nhất trong đa dạng, tôn trọng sự khác biệt của các tôn giáo tạo nên truyền thống, bản sắc văn hóa, sức mạnh, nguồn lực đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thủ tướng điểm lại 3 trụ cột trong cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ, trong đó xuyên suốt cả 3 trụ cột này là yếu tố con người. Theo Thủ tướng, Đảng, nhà nước ta luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, văn hóa ngang tầm chính trị xã hội, quốc phòng an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu. Đồng thời xây dựng đường lối đối ngoại độc lập tự chủ đa dạng hóa, đa phương hóa, vì hòa bình hợp tác và phát triển, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy của các nước trên thế giới.
Phân tích cụ thể những nguồn lực bên trong, bên ngoài và đường lối phát triển đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh: “Hướng đi nào thì xuyên suốt vẫn là yếu tố con người và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước rất phù hợp với những suy nghĩ đóng góp, công việc mà các tôn giáo đang thực hiện”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đồng bào có đạo là một bộ phận máu thịt của dân tộc, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử đất nước, đời sống tín ngưỡng tôn giáo là bộ phận không thể tách rời của đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Việt Nam.
Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, có 43 tổ chức của 16 tôn giáo được nhà nước công nhận, cấp giấy phép, đăng ký hoạt động theo đúng pháp luật. Việt Nam hiện có trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước. Mỗi tôn giáo tín ngưỡng mang nét riêng nhưng đều hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ, nên có sự dung hợp, đan xen, hòa đồng, thống nhất trong đa dạng. Đảng, nhà nước luôn nhấn mạnh và thực hiện chính sách tôn giáo, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong suốt tiến trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng tổ quốc, hàng chục ngàn chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã có nhiều đóng góp quan trọng. Ngày nay, các tổ chức tôn giáo đang góp phần đáng kể vào công tác an sinh xã hội, bằng cách hỗ trợ hàng ngàn chuyến xe chuyển bệnh nhân miễn phí, tổ chức các chương trình từ thiện giúp bệnh nhân khó khăn, tổ chức nhiều lớp học tình thương, hỗ trợ học phí sách vở, xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, xây dựng cầu dân sinh, nhà tình thương, đóng góp xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường…
“Có thể nói đất nước ta có phong trào gì thì các tôn giáo đều hưởng ứng tích cực, có hiệu quả phong trào đó. Đất nước có khó khăn thách thức gì thì với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc các tôn giáo cùng đất nước vượt qua mọi khó khăn thử thách cùng xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đất nước có thời cơ gì thì tôn giáo góp phần thúc đẩy góp phần xây dựng đât nước ngày một hùng cường, nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc. Nói cách khác tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, trong khó khăn thách thức cũng như trong thuận lợi, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ôn lại những ngày này năm ngoái, đất nước đang căng mình chống dịch Covid-19, Thủ tướng bày tỏ sự xúc động và trân trọng khi trong lúc khó khăn, các tổ chức tôn giáo bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái đã tích cực đóng góp nhiều nguồn lực, chung tay với chính quyền phòng chống dịch. Đồng chí điểm lại: Hơn 3.000 tình nguyện viên các tổ chức đã tham gia phòng chống dịch, nhiều người tham gia ở nơi tuyến đầu, ủng hộ nhiều xe cứu thương, hỗ trợ hàng triệu suất ăn miễn phí, sử dụng cơ sở tôn giáo làm bệnh viện dã chiến, thu mua nông sản cho bà con, góp phần chăm lo đời sống cho người đang sống và cả người quá cố…
Tăng cường đối thoại với các tổ chức tôn giáo
Thay mặt lãnh đạo Đảng, nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp tích cực, hiệu quả của các tôn giáo trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong phòng chống đại dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế - xã hội thời gian qua.
Theo Thủ tướng, chính trong gian khó, các giá trị đạo đức tốt đẹp, tinh thần nhân văn, nhân ái, sống “tốt đời, đẹp đạo” của các tôn giáo được phát huy cao độ. Qua đó đã vun đắp tình yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo và các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần tạo nên bản lĩnh, sức mạnh vô địch của người Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh đến các mục tiêu trọng tâm được xác định tại Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, xây dựng đất nước phát triển theo hướng có công nghiệp hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao. Thủ tướng khẳng định đây là mục tiêu hết sức quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của đồng bào tôn giáo.
Cùng với đó, đại hội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của việc phát huy sức mạnh nội sinh trong hướng tới các mục tiêu chiến lược. Trong đó, tôn giáo được khẳng định là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Nhằm phát huy những bài học quý về sự chung tay của các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục vận động các chức sắc, chức việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; góp phần xây dựng các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước sát với thực tế, đi vào cuộc sống để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Duy trì đường hướng hành động gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong đời sống xã hội. Đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động y tế, giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; phát huy nguồn lực, thế mạnh của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương về tín ngưỡng, tôn giáo và quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng pháp luật, đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật thành các quan điểm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; đồng thời tham mưu với Đảng, nhà nước để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng cơ chế huy động và phát huy mọi nguồn lực xã hội, trong đó có tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý MTTQ Việt Nam, các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố tăng cường công tác vận động, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như bảo vệ quyền hợp pháp chính đáng của đồng bào các tôn giáo; tiếp tục quan tâm tăng cường đối thoại với các tổ chức tôn giáo, lắng nghe, tạo sự gần gũi chân thành, tin tưởng của chức sắc, tín đồ tôn giáo.
Một trong những nội dung quan trọng là phải quan tâm giải quyết các đề xuất, kiến nghị chính đáng của các chức sắc, tổ chức tôn giáo phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước. Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động thuận lợi trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật và thực hiện phương châm "tốt đời, đẹp đạo".
Song song đó, tích cực phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam; xử lý các biểu hiện tiêu cực, những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật, thực hiện các hành vi trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục, văn hóa của dân tộc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cách mạng nước ta.
Nhiều đóng góp vì cộng đồngTrước đó, báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng và nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, sống "tốt đời đẹp đạo", gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tính đến nay, nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với khoảng 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số cả nước). Trong đó có trên 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Thủ tướng Phạm Minh chính gặp gỡ chức sắc, chức việc của các tôn giáo. Ảnh: HOÀNG HÙNG Theo Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng, các tổ chức tôn giáo và đại đa số đồng bào tôn giáo ở Việt Nam đều tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động an sinh xã hội; chung sức, đồng lòng với chính quyền và nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. “Các tổ chức tôn giáo cũng đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào có đạo biết cách làm giàu, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Nhiều chức sắc, chức việc có uy tín, đạo hạnh được quần chúng nhân dân tin tưởng bầu chọn vào các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương”, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh. Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội vì cộng đồng. Hiện cả nước có khoảng 300 trường và 2.000 cơ sở giáo dục mầm non, 12 cơ sở dạy nghề, 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập. 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo được cấp phép hoạt động, đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội. Những năm qua, các tổ chức tôn giáo đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội và các hoạt động từ thiện nhân đạo. Trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, Bộ Nội vụ ghi nhận, các tổ chức tôn giáo tích cực hướng dẫn chức sắc, tín đồ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của chính quyền các địa phương; chủ động hoãn, hủy, tạm dùng nhiều hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở thờ tự. Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo đã tích cực đóng góp các nguồn lực và chung tay với các cấp chính quyền trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, trên 3.000 tình nguyện viên tôn giáo tham gia tuyến dầu chống dịch; ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ phòng chống Covid-19 ở Trung ương và địa phương; trao tặng 24 xe cứu thương và nhiều trang thiết bị, vật tư y tế cho các vùng dịch; hỗ trợ hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho các bếp ăn, các gian hàng 0 đồng và hàng triệu suất ăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhiều cơ sở của tổ chức tôn giáo đã trở thành bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc Covid-19; đăng ký nhận tro cốt và tổ chức các nghi thức tôn giáo, cầu nguyện cho đồng bào tử vong vì dịch Covid-19… Trong quan hệ quốc tế, các hoạt động của các tổ chức tôn giáo góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Đảng và nhà nước trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Nhiều đoàn của tổ chức tôn giáo ra nước ngoài mở rộng quan hệ quốc tế với các tổ chức tôn giáo quốc tế, tham gia diễn đàn khu vực và quốc tế. Các tổ chức tôn giáo trong nước đã thành lập các tổ chức tôn giáo trực thuộc ở nước ngoài Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng nhận xét, những hoạt động đó đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cởi mở, thần thiện, yêu chuộng hòa bình với bạn bè thế giới. Thông qua các hoạt động giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đời sống tôn giáo Việt Nam, về chính sách nhất quán tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và nhà nước Việt Nam. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, các vị chức sắc tôn giáo đã bày tỏ tâm huyết với công tác an sinh xã hội, nhấn mạnh quan điểm hành đạo gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc. |