Giải quyết bài toán hạ tầng vùng Đông Nam bộ

Chưa bao giờ bài toán hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, logistics vùng Đông Nam bộ lại trở nên cấp thiết như hiện nay khi chỉ 2 năm nữa là công trình sân bay Long Thành chính thức hoàn thành, đi vào khai thác thương mại giai đoạn 1.

Đường ĐH 414 qua huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) được đầu tư hiện đại như đường cao tốc
Đường ĐH 414 qua huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) được đầu tư hiện đại như đường cao tốc

Bởi khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động mà các dự án giao thông kết nối quan trọng như các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 - TPHCM vẫn đang thi công thì chưa thể phát huy hiệu quả của “siêu dự án” sân bay quốc tế này.

Hàng loạt dự án giao thông kết nối

Ý thức được tầm quan trọng của việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối, các địa phương trong vùng Đông Nam bộ đang tích cực triển khai các dự án giao thông quan trọng của quốc gia đi qua địa bàn lẫn các dự án giao thông kết nối giữa các địa phương trong vùng. Đầu tiên, phải kể đến sân bay Long Thành - một “siêu dự án” nếu xét về quy mô diện tích đất, vốn đầu tư lẫn công nghệ. Với diện tích đất phải giải phóng mặt bằng lên đến 5.000ha, tỉnh Đồng Nai đã huy động toàn lực với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến UBND cấp xã để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Áp lực về thời gian, tiến độ triển khai dự án nhưng phải hạn chế sai sót trong quá trình kiểm đếm, đền bù có thể ảnh hưởng, làm chậm tiến độ bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và quyết tâm chính trị của địa phương, trong năm 2023, tỉnh Đồng Nai cũng đã kịp hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để phục vụ thi công dự án trọng điểm quốc gia. Thời gian hoàn thành công trình cũng được Thủ tướng Chính phủ chốt là năm 2026, lùi 1 năm so với kế hoạch được Quốc hội phê chuẩn.

Hiện nay, các tuyến giao thông kết nối với sân bay Long Thành như tuyến T1, T2 kết nối từ phía TPHCM qua Quốc lộ 51 đang triển khai thi công; đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (dài 57,8km) sau khi được bố trí vốn đã thi công trở lại hơn 1 năm nay, trong đó 2 gói thầu A6, A7 đang thảm nhựa, lắp dải phân cách và cầu Thị Vải sẽ hợp long trong tháng 4-2024. Với tiến độ này, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ về đích trong năm 2024, sẵn sàng cho kết nối thuận tiện giữa sân bay với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhờ tỉnh làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên tiến độ thi công thuận lợi, dự kiến có thể về đích trước 3 tháng so với kế hoạch.

Ngoài các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, các địa phương trong vùng còn triển khai các dự án giao thông kết nối, trong đó có cầu Bạch Đằng 2 nối xã Bạch Đằng (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) với kinh phí khoảng 490 tỷ đồng. Dự án bị chậm tiến độ nhưng 2 tỉnh quyết tâm hoàn thành công trình vào giữa năm nay.

Cần một cơ chế tài chính đặc thù

Song song với việc phối hợp với các bộ, ngành để trình Chính phủ, Quốc hội hoàn chỉnh thủ tục pháp lý, xin chủ trương đầu tư thì các tỉnh thành trong khu vực Đông Nam bộ phải phối hợp trình cơ chế chính sách đặc thù về tài chính cho các dự án hạ tầng thiết yếu. Đầu tiên là trình Chính phủ về đề án lập Quỹ phát triển hạ tầng, trong đó chủ yếu là hạ tầng giao thông kết nối hình thành từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn vốn ngân sách các địa phương.

Trong đề án cần quy định rõ mức huy động tối đa từ ngân sách của TPHCM và các tỉnh là bao nhiêu phần trăm và phần để lại trong thu vượt ngân sách hàng năm để phát triển hạ tầng vùng Đông Nam bộ về giao thông, logistics, du lịch, môi trường… Trong bối cảnh dân số và lưu lượng hàng hóa tăng nhanh, các địa phương trong khu vực thống nhất nâng cấp tuyến đường Vành đai 3 qua địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An lên thành cao tốc hay nối dài tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đến Bình Dương, tỉnh Đồng Nai đang cần nguồn vốn đầu tư rất lớn từ ngân sách, quỹ đầu tư - tài chính quốc tế. Qua đó càng cho thấy phải cần có nguồn Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và cơ chế huy động, sử dụng quỹ.

Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án song phương kết nối giao thông giữa các tỉnh thành cũng cần có quy chế huy động, sử dụng tài chính đặc thù làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, tránh hậu quả pháp lý về sau. Ví dụ, TPHCM có thể hỗ trợ Tây Ninh để phát triển các dự án giao thông kết nối với TPHCM và các tỉnh trong khu vực ở mức tối đa như thế nào? Và không chỉ có hạ tầng giao thông, vùng Đông Nam bộ cũng cần nguồn lực tài chính để phát triển hạ tầng logistics, môi trường, du lịch để tạo động lực phát triển nhanh, bền vững.

Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng, các địa phương trong vùng cần phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp, logistics của vùng như một hệ thống quan trọng nhằm trao đổi thông tin giữa các địa phương; thống nhất thông tin dữ liệu của ngành, chỉ tiêu, báo cáo, thời gian báo cáo định kỳ trên một hệ thống thông tin điện tử; thống nhất cơ quan vận hành, giám sát cơ sở dữ liệu của mỗi địa phương và đẩy mạnh chuyển đổi số ngành công nghiệp và logistics của các tỉnh trong vùng.

Tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các tỉnh thành Đông Nam bộ lần thứ 4 tổ chức tại Đồng Nai mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường thống nhất với kiến nghị của các tỉnh về lập Đề án logistics của vùng trình Chính phủ phê duyệt. Việc thành lập các trung tâm logistics của vùng sẽ giúp giảm chi phí vận tải, kho bãi, dịch vụ hải quan, qua đó giảm chi phí hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu và tập trung nguồn hàng về các cảng container xuất khẩu như Cái Mép - Thị Vải hoặc cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai gần.

Tin cùng chuyên mục