Giao thông đô thị là một trọng tâm để hiện đại hóa TPHCM. Đây cũng là lĩnh vực đang chi phối không tốt tổng thể hoạt động của TP. Tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra hàng ngày đã khiến người dân bức xúc, chính quyền bối rối. Nguyên nhân trực tiếp là thiếu hệ thống phương tiện vận tải công cộng hiệu quả và có quá nhiều xe gắn máy tham gia giao thông. Nhưng nguyên nhân cơ bản, sâu xa thì còn nhiều và khắc nghiệt hơn. Do vậy, cần phải có một dự án tổng thể và đồng bộ, có trách nhiệm của Trung ương và TPHCM để giải quyết triệt để, kiên quyết, có lộ trình bước đi thích hợp từ nay đến năm 2020.
Bố trí lại lực lượng sản xuất toàn miền Nam
Mục tiêu của dự án tổng thể phải khẩn trương làm giảm áp lực quá tải toàn diện cho TPHCM trên cơ sở phân bổ lực lượng sản xuất hợp lý, bền vững trên vùng kinh tế miền Nam và tổ chức lại các thành phần kinh tế nhỏ trên địa bàn TP.
Việc cần làm trước hết là tổ chức hợp lý, khoa học, hiện đại không gian đô thị, làm nền tảng xây dựng môi trường sống tốt; môi trường hoạt động kinh tế thuận lợi, năng động; môi trường xã hội lành mạnh, an toàn, rộng mở. Tổ chức tốt giao thông đô thị cần dựa vào hệ thống phương tiện công cộng thuận tiện, hiệu quả; hạn chế xe cá nhân, ô tô con. Cũng cần giải quyết căn bản những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến giao thông vận tải đô thị bất cập, tắc nghẽn, thường xuyên đình trệ trên diện rộng toàn TP. Hiện đại hóa tổ chức và cơ chế vận hành giao thông đô thị trong tổng thể cơ chế quản lý điều hành chính quyền đô thị đổi mới, chính quyền đô thị đa trung tâm và chính quyền điện tử.
Đi vào cụ thể, một trong những giải pháp và biện pháp lớn là bố trí lại lực lượng sản xuất liên vùng hợp lý, hiệu quả, phát triển bền vững. Trong đó, bố trí lại lực lượng sản xuất trên toàn miền Nam. Cùng với đó tạo điều kiện phân bố cơ hội việc làm từ khu vực Trung bộ đến ĐBSCL để giảm mạnh việc di dân cơ học từ các tỉnh về TPHCM tìm việc làm, thụ hưởng những dịch vụ có chất lượng tốt. Biện pháp cơ bản đối với giải pháp này là xây dựng tuyến vận tải đường sắt tốc độ cao (150-200km/giờ, khổ lớn) từ TPHCM đến TP Cần Thơ và TP Đà Nẵng. Có như vậy, mới tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách và hàng hóa lưu thông nội địa được nhanh chóng, rẻ tiền, xuất nhập khẩu dễ dàng.
Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích đặc biệt để thu hút đầu tư trong và ngoài nước phân bố hợp lý trên toàn vùng. Trước hết là các tỉnh ven biển miền Trung và ĐBSCL. Đồng thời, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước được chỉ đạo thực hiện ý đồ phân bổ lại lực lượng sản xuất dựa vào hệ thống vận tải đường sắt thuận lợi để phát triển sản xuất, lưu thông phân phối, dịch vụ. TPHCM cũng cần mạnh dạn chuyển nhiều doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm về các tỉnh ĐBSCL, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên - những nơi có sẵn nguyên liệu nông sản, thủy hải sản, cây công nghiệp, cây ăn trái để phát huy hiệu quả. Cũng cần có chủ trương hạn chế tối đa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường và sử dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch tồn tại trên địa bàn TP bằng biện pháp kinh tế, kỹ thuật là chính.
Giải được bài toán trên là phải nâng cao chất lượng giáo dục, y tế địa phương vùng ĐBSCL và miền Trung; tăng cường cán bộ chuyên môn đúng với yêu cầu. Sở dĩ, TPHCM đang chịu áp lực nặng nề về di dân cơ học là do các tỉnh thiếu dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao, trình độ cao. Do vậy, Trung ương cần hỗ trợ và TPHCM cần chia sẻ với các tỉnh để hình thành những trung tâm hiện đại phục vụ nhân dân ngay tại địa phương; trước hết là tại các TP: Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng. Đồng thời, các bộ liên quan cần chỉ đạo tăng cường nhân lực, trang thiết bị và những giải pháp thích hợp.
Quan trọng bậc nhất để kết nối vùng, phát triển kinh tế liên vùng và toàn miền Nam, hỗ trợ đắc lực chủ trương bố trí lực lượng sản xuất bền vững là xây dựng 2 tuyến đường sắt tốc độ cao từ TPHCM đi TP Cần Thơ và TPHCM - TP Đà Nẵng.
Một giải pháp quan trọng nữa là tổ chức lại không gian đô thị TPHCM theo tính chất đô thị đa trung tâm. Đây có thể xem là nhiệm vụ trọng tâm của dự án tổng thể. Trong đó, quy hoạch đô thị và xây dựng chính quyền đô thị kiểu TP đa trung tâm, gồm trung tâm hành chính và các trung tâm vệ tinh. Đây là yêu cầu khách quan phù hợp trình độ phát triển đô thị. Trong tình hình ách tắc giao thông nghiêm trọng hiện nay, việc tổ chức lại không gian đô thị theo yêu cầu đô thị đa trung tâm có ý nghĩa quyết định trực tiếp tháo gỡ bất cập, quá tải cho khu vực nội thành TPHCM.
“Trước đổi mới (năm 1986), TPHCM bị trói chặt trong cơ chế kinh tế tập trung bao cấp. Ngày nay, TPHCM đang bị chìm trong quá tải và tự phát, làm ảnh hưởng sức đi lên của cả nước. Giải quyết để TPHCM vượt qua khó khăn cản ngại lúc này, chính là một trong những trọng tâm hàng đầu của sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, để TPHCM - đầu tàu kinh của của đất nước - giải phóng được tiềm lực và tăng cường động lực”.
(Đồng chí PHẠM CHÁNH TRỰC, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM)
(Đồng chí PHẠM CHÁNH TRỰC, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM)
Kiểm soát mật độ xây dựng khu trung tâm
Phải thấy rằng, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng cao ốc và các công trình có quy mô lớn ở khu vực trung tâm TP cần phải thực hiện quyết liệt theo hướng: Kiểm soát chặt chẽ mật độ xây dựng, tầng cao; tôn tạo không gian, cảnh quan; kiên quyết điều chỉnh quy hoạch, nhất là khu trung tâm TP theo hướng TP có nhiều trung tâm. Những công trình đô thị, cao ốc không phù hợp với quy hoạch mới thì Nhà nước trưng mua để phục vụ chỉnh trang đô thị.
Phải thấy rằng, việc tổ chức giao thông vận tải đô thị là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trực tiếp thành công của dự án. Thời gian qua, quá trình công nghiệp hóa làm cho lao động nông nghiệp dôi dư; cùng với nền sản xuất nhỏ còn tồn tại phổ biến nên tiểu - thủ công nghiệp và các loại dịch vụ phát triển tự phát, kéo theo số lượng xe máy phục vụ người dân đi lại hoạt động, mua bán. Vì vậy, cần tập trung trong thời gian nhất định tăng cường hệ thống phương tiện giao thông công cộng nhiều loại, đồng bộ; đồng thời từng bước hạn chế xe 2 bánh. Lộ trình này có thể kéo dài từ 5 -10 năm. Phải vận động nhân dân ủng hộ chủ trương tổ chức lại giao thông nội thành, việc đi lại chủ yếu bằng hệ thống phương tiện công cộng. Cùng với đó, hiện đại hóa hệ thống quản lý điều hành vận tải công cộng.
TPHCM cũng phải tập trung tổ chức lại nền sản xuất nhỏ trên địa bàn, bao gồm: tổ chức lực lượng lao động tiểu thủ công nghiệp theo hướng các cơ sở tiểu thủ công nghiệp cần được tổ chức lại, hình thành các cụm, điểm tập trung của quận (tức là các đô thị vệ tinh mới). Tổ chức lực lượng tiểu thương kinh doanh hàng hóa, trong đó trọng tâm là tổ chức tiểu thương tại các chợ truyền thống; hình thành các tổ hợp tác mua bán, hợp tác xã ngành nghề kinh doanh hàng hóa và dịch vụ hoặc các công ty cổ phần nhằm hiện đại hóa chợ truyền thống. Tổ chức lại các ngành hàng ăn uống, ngành dịch vụ kỹ thuật.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị phát động, vận động nhân dân toàn TP tôn tạo không gian sống của mình; tôn tạo không gian công cộng; bảo vệ môi trường đô thị; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật giao thông đô thị.
Đối với biện pháp hành chính, cần thiết thí điểm mô hình đô thị đa trung tâm và cơ chế chính quyền đô thị 2 cấp cho TPHCM ở vài địa bàn. Sau đó, rút kinh nghiệm mở rộng toàn TP. Kết hợp 3 biện pháp: kinh tế, tuyên truyền vận động và hành chính luật pháp. Trong đó, tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Nhà nước là biện pháp cơ bản không thể thay thế. Do vậy, vai trò trách nhiệm của các đoàn thể nhân dân và Mặt trận Tổ quốc phải đi trước, thường xuyên và liên tục. Biện pháp kinh tế có tác dụng quyết định trực tiếp. Cuối cùng, cần phải thi hành pháp luật giao thông đô thị nghiêm minh, không nể nang, công tâm và có trách nhiệm cao.
PHẠM CHÁNH TRỰC
(Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM)
(Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM)