Ngày 27-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành phiên họp thứ 46. Một trong những nội dung được UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này là công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Qua thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội ghi nhận nhiều điểm tích cực trong công tác chỉ đạo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sớm hơn so với năm trước; ban hành nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các vấn đề lớn, quan trọng; xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính... tạo tiền đề thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí .
Đáng lưu ý, hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước được chú trọng; quản lý chặt chẽ nguồn thu, nhiều nội dung chi được tiết giảm, nguồn lực được ưu tiên cho các nhiệm vụ quan trọng.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều điểm hạn chế được cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉ rõ. Về ngân sách, do tác động của thiên tai, dịch bệnh nên 2020 bị hụt thu ngân sách, trong khi phải tăng chi khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh làm tăng bội chi ngân sách và nợ công.
Đáng lưu ý, tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao (kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 chưa giải ngân khoảng 30 ngàn tỷ đồng; vốn trong nước khoảng 81,2 ngàn tỷ đồng); phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm; tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm (Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông...).
Bộ Xây dựng chưa thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt; số dư kinh phí không còn nhiệm vụ chi của một số đơn vị trực thuộc Bộ GTVT từ nguồn phí, lệ phí được để lại lớn (hơn 1.222 tỷ đồng), gây lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, còn khá nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước đang hoạt động, trong khi pháp luật về mô hình tổ chức, cơ chế tài chính thiếu đồng bộ.
Cuối năm 2020, có 24 quỹ do 15 bộ, cơ quan ở Trung ương quản lý; đại đa số được thành lập theo quy định tại các luật, pháp lệnh; nhưng cũng có quỹ được quy định trong nghị định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hoặc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Một số quỹ có nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước, một số quỹ phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước cấp, một số quỹ hoạt động chưa hiệu quả, một số quỹ gần như không có hoạt động…
Đặc biệt, tại một số cơ quan còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công.
"Có bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng mà chưa nêu rõ lý do; một số quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chưa cụ thể hoặc không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn”, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách phê bình.
Công tác triển khai phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất được phê duyệt còn chậm.