Tăng cường quản lý về đất đai, dân cư
Là người trực tiếp tham gia công tác bồi thường, GPMB dự án sân bay Long Thành, ông Nguyễn Long Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, phát biểu: Vấn đề cần lưu tâm là công tác chuẩn bị về tư liệu bản đồ, quá trình xây dựng công trình nhà cửa trên đất, nhân khẩu. Nếu những vấn đề này được quản lý tốt thì sẽ áp giá, lên phương án bồi thường nhanh hơn.
Về lý thuyết, đất đai đã được quản lý số hóa nhưng đi vào thực tế với một dự án có quy mô lớn như sân bay Long Thành thì gặp nhiều khó khăn do công tác quản lý đất đai, dân cư và xây dựng còn hạn chế. Trong thời gian dài, việc quản lý chưa chặt chẽ như nhà không biết xây từ khi nào, sang nhượng bằng giấy tay ra sao và đã qua bao lần thay đổi bản đồ địa chính… nên việc xác minh mất rất nhiều thời gian để phân loại, áp giá bồi thường nhà, đất, hỗ trợ (TĐC).
Theo ông Nguyễn Long Châu, dù nhân lực được tăng cường từ tỉnh và các huyện lỵ trong tỉnh, nhưng nếu không có chuyên môn thì phải 6 tháng mới quen công việc nên ở dự án có khối lượng công việc liên quan GPMB lớn thì công tác chuẩn bị về mặt nhân lực là chưa đảm bảo. Qua công tác GPMT ở dự án sân bay Long Thành cho thấy, yếu tố giá bồi thường giữ vai trò quyết định.
Trong thời gian qua, chính sách về đất đai, bồi thường, hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi liên tục thay đổi theo hướng có lợi hơn cho người dân, nhưng cũng kéo theo các thủ tục hành chính rất vất vả cho lực lượng chức năng. Quan trọng nhất vẫn là giá bồi thường sao cho có lợi cho người dân thì dễ nhận được sự đồng thuận.
Trong khi đó, theo Ban Bồi thường GPMB TP Thủ Đức (TPHCM), khi triển khai dự án đường Vành đai 3 TPHCM, các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý nhà nước trước đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giải quyết thu hồi đất. Điển hình như việc để người dân xây dựng nhà, công trình trên đất nông nghiệp, công trình xây dựng trên đất lấn chiếm sông rạch, đất không có giấy tờ hợp pháp... nên khi áp dụng chính sách hỗ trợ rất khó khăn.
Do đó, để triển khai dự án đúng kế hoạch, thời gian tới, các ngành chức năng cần siết chặt công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng; đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan, tránh các khó khăn phát sinh khi thực hiện dự án.
Cụ thể hóa các quy định mới
Dưới góc độ lập pháp, ông Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có các dự án trọng điểm quốc gia đang triển khai là sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 TPHCM, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Tuy nhiên, các dự án trên có phần chậm tiến độ so với kế hoạch, mà nguyên nhân chính là do công tác GPMB còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là nguồn nhân lực làm công tác GPMB tại địa phương còn thiếu; việc áp giá bồi thường, hỗ trợ, TĐC chưa thỏa đáng, chậm chi trả bồi thường cho người dân; chậm triển khai các thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; chưa thực hiện bố trí TĐC kịp thời, hoặc có TĐC nhưng vị trí không phù hợp nên người dân chậm bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.
“Luật Đất đai 2024 sắp có hiệu lực thi hành, vì vậy, theo tôi trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành cần phải quy định đầy đủ cụ thể và chặt chẽ về các nội dung cần thiết liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, TĐC.
Trong đó phải hướng dẫn rõ việc bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp; việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC.
Cần quy định chặt chẽ các điều kiện về khu TĐC phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi”, ông Bùi Xuân Thống kiến nghị.
Ông Bùi Xuân Thống cũng cho rằng, đối với các trường hợp khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 78 và Điều 79 của Luật Đất đai 2024 mà phần diện tích còn lại của thửa đất sau khi thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh về diện tích tối thiểu, thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, quản lý diện tích đất này. Về nội dung này cần phải có quy định cụ thể, chặt chẽ để cơ quan thẩm quyền thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tránh sự vận dụng tùy tiện dễ xảy ra khiếu nại, khiếu kiện.
Để công tác GPMB thuận lợi, theo các chuyên gia, cơ quan chuyên môn cần khẩn trương hoàn thiện chính sách giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi theo Luật Đất đai 2024. Cụ thể là hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 109 Luật Đất đai 2024).
Liên quan đến giá đất, cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu xây dựng để đưa vào các quy định pháp luật thật cụ thể, đầy đủ các nội dung: nguyên tắc định giá đất; phương pháp xác định giá đất; điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất; quy định về khung giá đất. Đây là vấn đề quan trọng trong việc áp dụng giá bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, cho nên cần phải quy định cụ thể, chặt chẽ để tránh sai sót trong quá trình áp dụng.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp; các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, TĐC, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn; đảm bảo nguyên tắc người có đất bị thu hồi được bồi thường, TĐC trước khi thu hồi đất; đồng thời quan tâm đến bồi thường, hỗ trợ đối với chủ sở hữu tài sản mà không đồng thời là chủ sử dụng đất, trường hợp đồng sở hữu, người bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất.
Từ những khó khăn, bất cập và thách thức đã gặp phải trong quá trình thực hiện công tác GPMB ở các dự án giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đúc kết những bài học kinh nghiệm.
Thứ nhất là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý điều hành của các cấp chính quyền và phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, đoàn thể các cấp, toàn thể nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, TĐC của dự án.
Thứ hai là xác định nhiệm vụ thu hồi đất, bồi thường GPMB của dự án là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai đầu tư, xây dựng.
Thứ ba là cần nâng cao tinh thần chủ động phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình xây dựng hồ sơ bồi thường, đảm bảo việc luân chuyển, xác nhận hồ sơ đúng, đủ theo quy trình khép kín khoa học, đúng quy định pháp luật.
Thứ tư là về phía UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành hướng dẫn kịp thời cho UBND huyện và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, GPMB; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan để kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, những đối tượng xúi giục, kích động nhân dân làm trái chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kịp thời khen thưởng, động viên đối với các tổ chức, cá nhân nỗ lực thực hiện tốt công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, TĐC.