Giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm ở Đông Nam bộ: Cả hệ thống chính trị vào cuộc - Bài 3: An cư ở khu tái định cư

Quá trình triển khai các dự án lớn về hạ tầng giao thông, từ sân bay Long Thành đến tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TPHCM, cho thấy, việc xúc tiến xây dựng các khu tái định cư (TĐC) là một trong những “chìa khóa” quan trọng giúp người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng. Và thực tế, dự án nào làm tốt công tác bố trí TĐC, xây dựng hạ tầng khu TĐC hoàn chỉnh sớm thì thời gian giải phóng mặt bằng (GPMB) được rút ngắn đáng kể.

Q1f.jpg
Bốc thăm nhận căn hộ tái định cư phục vụ thi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: XUÂN TRUNG

Ổn định cuộc sống của người dân

Ngay sau khi Quốc hội khóa XIII thông qua chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25-6-2015), UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi chức năng, quyền hạn của địa phương. Ngoài việc phê duyệt quy hoạch đồng bộ 2 khu TĐC Lộc An - Bình Sơn và khu TĐC Bình Sơn, tỉnh Đồng Nai tổ chức điều tra về dân cư, đất đai, nhà ở, nhu cầu nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án sân bay; xây dựng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, TĐC… trình Chính phủ xem xét để Chính phủ trình Quốc hội cho phép tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, TĐC sân bay Long Thành thành tiểu dự án thành phần và giao UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư.

Để xây dựng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi đất của 7.200 hộ dân, trong đó có khoảng 4.300 hộ phải giải tỏa trắng và thuộc diện bố trí TĐC. Những hộ dân này được bố trí trong Khu TĐC Lộc An - Bình Sơn rộng hơn 280ha với trên 5.000 lô đất có hệ thống hạ tầng hoàn thiện, có đầy đủ công trình xã hội như trường học, chợ, nhà văn hóa… với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 19.000 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 6-2024, cơ quan chức năng của huyện Long Thành (Đồng Nai) đã xét duyệt TĐC cho 4.246 hộ; tổ chức bốc thăm TĐC cho 4.128 hộ trong vùng dự án sân bay Long Thành. Huyện Long Thành cũng đề xuất và thực hiện nhiều chính sách an sinh cho người dân bị giải tỏa nơi ở cũ, chuyển đến nơi ở mới và tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai miễn giảm học phí cho học sinh là con em các hộ có đất phải di dời làm sân bay với thời gian được miễn giảm trong 3 năm học, bắt đầu từ năm học 2023-2024.​

Là một trong những hộ dân đầu tiên về sống ở khu TĐC, ông Phan Bá Tuynh (sinh năm 1958), cho biết, trước đây gia đình ông ở ấp 3, xã Suối Trầu (nay là xã Bình Sơn, huyện Long Thành) có diện tích đất ở 300m2, đất sản xuất nông nghiệp 1ha thuộc diện giải tỏa trắng. Gia đình ông được Nhà nước bồi thường 6 tỷ đồng và xét cấp lô đất TĐC rộng 125m2 để xây cất nhà. “Khi còn đất trong Suối Trầu, gia đình tôi sống nhờ hoa lợi từ sản xuất nông nghiệp, có thu nhập thường xuyên. Từ khi ra khu TĐC, vợ chồng tôi chưa biết làm nghề gì, mong muốn Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp”, ông Tuynh chia sẻ.

Ông Phạm Văn Toan (sinh năm 1947) định cư ở xã Suối Trầu từ năm 1982, cũng thuộc diện giải tỏa trắng để giao đất làm sân bay Long Thành. Gia đình ông đã nhận tiền đền bù và xét cấp đất TĐC đầy đủ và hiện có nhà ở tại khu TĐC. Ngoài ra, vợ chồng ông còn 1,2ha đất thổ cư chưa được nhận bồi thường, chưa bốc thăm lô TĐC nên mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết để có tiền lo kinh tế gia đình.

Với một "siêu” dự án như sân bay Long Thành, giải quyết sớm nhu cầu ổn định cuộc sống thông qua việc xét, cấp đất TĐC không chỉ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân có đất bị giải tỏa, mà còn là một trong những yếu tố quyết định đến sự đồng thuận bàn giao mặt bằng thi công. Ông Nguyễn Long Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Long Thành, cho biết, theo Nghị định 43, các trường hợp sang nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-7-2014 do tách thửa thì chỉ được hỗ trợ tài sản trên đất, không được cấp lô TĐC, nhưng căn cứ thực tế, có nhiều trường hợp khó khăn về chỗ ở đã được xem xét giao đất có thu tiền thông qua thẩm định giá đất.

Q1e.jpg
Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: HOÀNG BẮC

Trong khi đó, để phục vụ dự án đường Vành đai 3 TPHCM, TP Thủ Đức (TPHCM) đã bố trí quỹ đất TĐC và đầu tư xây dựng chung cư C8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) với tổng số 150 căn, đáp ứng đủ cho các hộ dân bàn giao mặt bằng, đủ điều kiện thuê mua căn hộ chung cư. Hiện cơ quan chức năng đang đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận và hỗ trợ người dân chuyển đổi chỗ ở.

Còn đối với dự án tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, công tác GPMB được triển khai khá nhịp nhàng, vượt tiến độ nhờ làm tốt công tác TĐC. Theo Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), trước khi triển khai dự án, thị xã đã quy hoạch các khu TĐC phục vụ cho các dự án trên địa bàn. Vì vậy, khi tiến hành thu hồi, GPMB dự án đường cao tốc, địa phương không gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí TĐC khi người dân đồng thuận, giúp quá trình GPMB được đẩy nhanh.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ, trong GPMB tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, chủ đầu tư dự án cùng với các địa phương đã thực hiện tốt công tác khảo sát nhu cầu đất ở đối với các trường hợp bị giải tỏa và khả năng bố trí TĐC của địa phương để thống nhất xử lý, không để trở thành điểm nghẽn trong bàn giao mặt bằng. Đặc biệt, việc lập dự toán kinh phí bồi thường GPMB gần sát với mức giá thị trường; đảm bảo nguyên tắc giao đất ở mới tại các khu TĐC trước khi thu hồi đất và kịp thời giải quyết các trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất đồng sở hữu đã góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB của dự án.

Nỗ lực bố trí tái định cư

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) có tổng chiều dài khoảng 54km, riêng đoạn qua Đồng Nai dài hơn 34km. Để thực hiện dự án, tỉnh phải thu hồi diện tích đất gần 290ha trên địa bàn TP Biên Hòa và huyện Long Thành với hơn 3.400 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 2.400 hộ thuộc diện phải bố trí TĐC. Hiện tiến độ dự án thành phần 3 qua Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6-2025; trong khi công tác GPMB ở Đồng Nai vẫn khá chậm do chờ các khu TĐC.

Tại phường Tam Phước (TP Biên Hòa), tính đến đầu tháng 6-2024, công tác kiểm đếm đã hoàn thành tất cả 383 thửa đất và phường đã tiếp nhận hồ sơ từ Ban Quản lý dự án bồi thường GPMB và hỗ trợ TĐC tỉnh để tiến hành các bước xác nhận nguồn gốc đất, lập hồ sơ bồi thường. Phường Tam Phước cũng đã hoàn thành việc xét TĐC cho 11 trường hợp đầu tiên. Cạnh đó, phường Phước Tân là “điểm nghẽn” trong bồi thường GPMB khi có hơn 600 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nên ngành chức năng gặp nhiều khó khăn trong thẩm định nguồn gốc đất, xác định chủ đất, thời gian xây dựng nhà xưởng để áp giá đền bù, phê duyệt hồ sơ và nhất là việc bố trí TĐC.

Tương tự, đoạn qua huyện Long Thành có tổng chiều dài khoảng 28km với tổng diện tích thu hồi gần 230ha, trong đó đất hộ gia đình, cá nhân hơn 157ha của 2.668 trường hợp với gần 2.000 hộ được xét bố trí TĐC tại Khu TĐC xã Long Phước (34ha) và khu TĐC tại xã Long Đức (gần 30ha). Hiện khu TĐC Long Đức đã cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông, đang triển khai các hạng mục cấp điện, cấp nước và đo đạc phân lô cắm mốc để cho người dân bốc thăm nhận đất, xây nhà; còn khu TĐC Long Phước mới cưa cắt gần 50% diện tích cây tràm để lấy mặt bằng thi công. Trong khi đó, 2 khu TĐC Phước Tân và Tam Phước đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ nên đã ảnh hưởng đến tiến độ GPMB chung của dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Để đẩy nhanh tiến độ GPMB phục vụ dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TP Biên Hòa vừa tiếp nhận 150 lô đất tại Khu TĐC Bình Minh (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án và UBND tỉnh Đồng Nai cũng giao 121ha thuộc Dự án Khu dân cư núi Dòng Dài để triển khai xây dựng khu TĐC bố trí cho các hộ dân ở phường Phước Tân. Đối với việc bố trí TĐC cho các hộ dân ở phường Tam Phước, UBND tỉnh chủ trương giao thêm một phần diện tích Khu TĐC tại xã Long Đức (huyện Long Thành) để bố trí TĐC cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu cả hệ thống chính trị phải cùng nỗ lực để thực hiện mục tiêu giúp người dân bị thu hồi đất làm sân bay Long Thành có nơi ở mới tốt hơn và các đơn vị cần quy hoạch khu TĐC bài bản với hệ thống hạ tầng đầy đủ, hiện đại; giúp người dân có việc làm ổn định; xem xét vấn đề tín dụng nhà ở, vận dụng chính sách hỗ trợ người dân xây nhà. Các cấp chính quyền trong tỉnh cần tăng cường giám sát, đảm bảo bồi thường, hỗ trợ, TĐC đúng đối tượng, đầy đủ, không phát sinh tiêu cực; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân để giải quyết hợp tình, hợp lý nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Tin cùng chuyên mục