LTS: Chưa bao giờ có nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia được triển khai cùng lúc ở Đông Nam bộ như hiện nay: Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành); đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 3 TPHCM… Cùng với đó, quy mô thu hồi đất để thực hiện dự án cũng lớn nhất từ trước đến nay. Việc giải phóng mặt bằng đã làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục ngàn hộ dân. Đó cũng là công tác khó khăn nhất. Một khi công tác này được làm tốt, chính là kinh nghiệm, bài học để đẩy nhanh những dự án hạ tầng trọng điểm.
Dự án sân bay Long Thành có quy mô thu hồi đất 5.399,21ha với hơn 7.200 hộ dân bị ảnh hưởng. Sau khi được Thủ tướng phê duyệt dự án thành phần về giải phóng mặt bằng (GPMB) theo Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 6-11-2018, dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai cơ bản hoàn thành toàn bộ diện tích cần thu hồi và đã bàn giao 100% mặt bằng giai đoạn 1 (2.532ha) cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để triển khai thi công dự án.
Tạo sự đồng thuận
Có mặt tại sân bay Long Thành những ngày đầu tháng 7-2024, chúng tôi cảm nhận được không khí nhộn nhịp trên công trường dự án với gần 3.300 nhân lực và hơn 1.100 trang thiết bị thi công để đảm bảo tiến độ. Sau hơn 9 tháng triển khai thi công kể từ ngày 31-8-2023, ACV đã yêu cầu liên danh nhà thầu tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ công trình nhà ga hành khách.
Dự án sân bay Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã: Bình Sơn (gần 2.000ha), Suối Trầu (hơn 1.350ha), Cẩm Đường (hơn 500ha), Bàu Cạn (gần 160ha), Long An (gần 660ha) và Long Phước (hơn 300 ha); thu hồi đất của hơn 7.200 hộ dân và 18 tổ chức. Với quy mô 5.000ha, đây là dự án có diện tích bồi thường, GPMB lớn nhất được triển khai ở nước ta trong hàng chục năm qua. Để chỉ đạo công tác triển khai dự án, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành nghị quyết riêng và UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo, đồng thời ban hành kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị triển khai công tác thu hồi đất. Ở cấp huyện, Long Thành cũng lập ban chỉ đạo từ cấp huyện xuống xã, ấp.
Để GPMB, Đồng Nai đã điều động, biệt phái 113 cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ngành gồm Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở TN-MT, Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện, thành phố khác về cùng ăn, ở với dân; hỗ trợ huyện Long Thành trong công tác đo đạc, kiểm đếm, áp giá bồi thường, tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Sơn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Suối Trầu (cũ), cho biết, xã bị giải tỏa toàn bộ (1.350ha) để lấy đất làm sân bay và phải xóa sổ đơn vị hành chính cấp xã. Để thực hiện công tác GPMB phục vụ dự án sân bay Long Thành, từ ban chấp hành Đảng bộ xã đến từng chi bộ, đảng viên đều tham gia công tác tuyên truyền, vận động. Trong đó, mỗi đảng viên là một tuyên truyền viên. Để nhân dân ý thức tầm quan trọng của dự án, 100% cán bộ, đảng viên của xã đều nêu gương thực hiện tốt việc bàn giao đất. Nhờ đó, trong quá trình triển khai dự án, người dân xã Suối Trầu không có đơn thư khiếu nại đông người, vượt cấp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Long Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành, tâm sự: “Do khối lượng công việc lớn, công tác chuẩn bị chưa đảm bảo, cán bộ tăng cường từ tỉnh về chuyên môn không sâu nên áp lực dồn lên Trung tâm Phát triển quỹ đất. Quá trình thu hồi đất, Đồng Nai gặp nhiều vướng mắc, nhất là những trường hợp đất mua bán bằng giấy tay, hay sang nhượng qua nhiều đời chủ làm cho tiến độ của dự án có những lúc rất chậm. Cán bộ thừa hành ở cấp xã, ấp cũng chịu áp lực vì vừa làm thật nhanh, vừa đảm bảo không được sai sót, nhất là việc vận dụng chính sách pháp luật trong xác định diện tích đất ở, áp giá bồi thường, chính sách hỗ trợ, cấp suất tái định cư”.
Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện công tác GPMB phục vụ dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai luôn chú trọng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và đã tổ chức nhiều buổi đối thoại với người dân để có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát với thực tiễn, phù hợp với các quy định nhà nước, đảm bảo người dân có đất bị thu hồi có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn so với trước đây.
Đối thoại thấu tình, đạt lý
Để triển khai công tác GPMB phục vụ dự án sân bay Long Thành, huyện Long Thành đã thành lập 9 tổ công tác. Các phòng ban, đơn vị liên quan triển khai công tác kiểm đếm, áp giá đền bù, làm hồ sơ tái định cư (TĐC). Sau đó, các đoàn thể chính trị của huyện, xã tiếp tục giám sát việc thực hiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Đến khi thực hiện đền bù, hỗ trợ TĐC thì đoàn thể tiếp tục theo dõi, hỗ trợ người dân nhận đất TĐC, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới...
Ông Dương Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Long Thành, chia sẻ: “Cách làm của Long Thành là đoàn thể phải đi trước, đi cùng và về sau trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Trong đó, Tổ Đấu tranh trên không gian mạng là rất quan trọng. Nhiều thông tin chưa chính thống đưa lên mạng, người dân đọc dễ bị ngộ nhận, tổ đã kịp thời phát hiện, phản biện, thông tin lại để người dân nắm được khung chính sách. Trong quá trình vận dụng khung chính sách thì căn cứ vào các quy định pháp luật để vận dụng khung giá tốt nhất cho dân”.
Đặc biệt, theo ông Dương Minh Dũng, đối với các trường hợp người dân có đất bị thu hồi nhưng chưa đồng thuận về giá đền bù đất ở, đất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, điện, nước, bố trí TĐC… đều được giải đáp thấu tình, đạt lý trong các buổi đối thoại với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành nhằm tạo sự đồng thuận giao đất để có mặt bằng xây dựng sân bay. Điển hình là vào tháng 12-2023, tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành có buổi đối thoại với hơn 120 hộ dân nằm trong vùng dự án được chuyển đến sinh sống tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Các hộ dân đã trình bày những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề như xây dựng cơ sở hạ tầng, môi trường, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an ninh trật tự. Trong đó có gia đình bà Đỗ Thị Yến (người dân ở vùng lõi dự án) là một trong những hộ dân còn “kẹt lại”, đang sinh sống trên đại công trường xây dựng sân bay Long Thành, mong muốn sớm được cấp đất tái định cư để di dời khỏi công trường xây dựng vì sợ mất an toàn. Đại diện Ban Quản lý Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã lý giải cặn kẽ, mong muốn bà con chia sẻ với những khó khăn của tỉnh, và cam kết tăng tốc triển khai các hạng mục liên quan trong khu TĐC. Sau đó, các kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của bà con lần lượt được giải quyết trên tinh thần vận dụng chính sách một cách tốt nhất phục vụ đời sống người dân. Riêng hộ gia đình bà Đỗ Thị Yến đã được huyện báo cáo lên tỉnh xem xét hỗ trợ giao thêm một suất đất ở tối thiểu trong khu TĐC bởi là hộ nghèo nên đã đồng ý di dời.
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, sự hỗ trợ của các bộ ngành trung ương và nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống huyện, đến cuối tháng 6-2024, Đồng Nai đã bàn giao toàn bộ 5.000ha đất cho ACV để triển khai thi công các hạng mục (giai đoạn 1) của dự án. Đối với dự án 2 tuyến giao thông kết nối sân bay, UBND huyện Long Thành cho biết, đã bàn giao 100% diện tích mặt bằng của tuyến T1 và khoảng 99% diện tích mặt bằng của tuyến T2 để các nhà thầu triển khai thi công các hạng mục dự án.