Thượng tá LẠI QUANG HUẤN, Phó Trưởng phòng 6 - Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an): Chế tài gặp khó khiến đối tượng vi phạm lờn luật
Tín dụng đen hoạt động biến tướng, phức tạp trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân cốt lõi là do một số quy định của pháp luật bất cập và không đồng bộ khiến cơ quan thi hành luật khó áp dụng. Việc chế tài gặp nhiều khó khăn, dần dần dẫn đến cá nhân, đối tượng vi phạm lờn luật.
Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, để kết tội cho vay nặng lãi phải chứng minh lãi suất cho vay gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất trong Bộ luật Dân sự và thu lợi bất chính 30 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể khiến các cơ quan tư pháp chưa thống nhất, phân định rõ ràng giữa vi phạm hình sự với vi phạm hành chính.
Ngoài ra, các hành vi vi phạm của các đối tượng, băng nhóm hoạt động tín dụng đen khi đòi nợ như đe dọa, uy hiếp tinh thần (ném mắm tôm, mang quan tài đến nhà…), bắt giữ người trái phép (sau đó thả), hủy hoại tài sản… cũng khó xử lý. Thông thường nạn nhân chỉ báo công an khi sự việc đã đi quá xa, ít có trường hợp trình báo khi bị xã hội đen đe dọa lần đầu. Do đó, các chứng cứ để kết tội đối tượng vi phạm ít nhiều bị mất dấu, không còn.
Về giải pháp, trước mắt các cục nghiệp vụ liên quan của Bộ Công an đang tổng rà soát các tiệm cầm đồ, công ty cho vay tài chính (có phép và không phép) để phân công, phân cấp quản lý, đấu tranh, đồng thời phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương xử lý, thu hồi giấy phép hoạt động đối với các trường hợp vi phạm. Bộ Công an cũng tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp khắc phục trong xử lý hoạt động tín dụng đen.
Ông LÊ MINH ĐỨC, Phó Trưởng ban Pháp chế - HĐND TPHCM: Cảnh giác với các chiêu trò của tín dụng đen
Để xử lý triệt để vấn đề này, chính quyền TPHCM cần chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện nhiều giải pháp đột phá. Trong đó, công an và chính quyền địa phương cần làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, rà soát quản lý chặt chẽ các đối tượng núp bóng hoạt động “tín dụng đen” (dịch vụ cầm đồ, cho vay không thế chấp, dịch vụ đòi nợ thuê…) để kịp thời phát hiện và kiểm tra, phòng ngừa. Cùng đó, lực lượng công an cần làm tốt hơn việc tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác tội phạm khi người dân thông tin, nhất là xử lý nhanh các hành vi khủng bố, hủy hoại tài sản công dân của các đối tượng đi đòi nợ.
Điều này cho thấy, người dân chưa lường được hết hậu quả của vay tiền lãi cao, mà hầu như chỉ thấy vay mượn dễ dàng là lao vào vay. Nhiều người khi vay cũng không hình dung được khả năng trả nợ, rồi vay nợ vòng quanh để trả lãi các khoản vay trước làm “nợ chồng nợ”, không còn khả năng trả nợ. Do đó, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần chung tay, đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ ra các thủ đoạn, chiêu trò của tín dụng đen để người dân nắm bắt. Qua đó, họ tự cảnh giác, không tham gia vay tiền từ các nguồn không chính thống, để không trở thành nạn nhân của tín dụng đen.
Luật sư TRẦN ĐÌNH NAM, Đoàn Luật sư TPHCM: Đơn giản tố tụng sẽ giảm bớt đòi nợ thuê
Gần đây, “dịch vụ đòi nợ thuê” còn được sử dụng để giải quyết các vụ việc mang tính chất kinh doanh thương mại. Điều này tác động rất xấu đến tâm lý doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh. Bởi, thay vì thực hiện theo con đường tòa án hoặc trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật thì một số tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê.
Các công ty đòi nợ thuê dùng những biện pháp mang chất tính khủng bố, đe dọa... đối với chủ doanh nghiệp “mắc nợ” gây tâm lý sợ hãi, phải trả tiền. Trong khi nếu vụ việc giải quyết theo con đường tố tụng thì chưa chắc doanh nghiệp phải trả số tiền theo yêu cầu của công ty đòi nợ thuê, vì còn phải xem xét đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên.
Ở góc độ quản lý nhà nước, khi dịch vụ đòi nợ thuê mang hơi hướm xã hội đen phát triển thì đó là dấu hiệu của sự yếu kém trong hoạt động xét xử, thi hành án các vụ án phi hình sự. Trên thực tế, để khởi động một vụ án tranh chấp dân sự hoặc kinh doanh thương mại, từ khi gửi đơn khởi kiện đến khi thi hành án không phải bao giờ cũng diễn ra theo đúng thời hạn mà pháp luật quy định. Một vụ án kéo dài tháng này qua năm nọ không phải là hiếm.
Mặt khác, dù bản án đã có hiệu lực nhưng chưa hẳn việc thi hành án thực hiện được trọn vẹn. Niềm tin vào hoạt động tố tụng sụt giảm, sự ấm ức của “chủ nợ” còn gia tăng khi thắng kiện nhưng vẫn không đòi được nợ - không phải là tình trạng cá biệt - góp phần làm cho dịch vụ đòi nợ thuê có đất sống.
Vì vậy, để thúc đẩy việc đòi nợ theo đúng quy định, khuyến khích tinh thần thượng tôn pháp luật, cần phải cải tiến mạnh mẽ các hoạt động tố tụng, từ khâu thụ lý, xét xử cho đến thi hành án, nhằm tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian đòi nợ. Có như vậy, người dân, doanh nghiệp sẽ không phải nhờ công ty đòi nợ thuê.
Luật sư LÂM QUANG QUÝ, Đoàn Luật sư TPHCM: Cần chấm dứt dịch vụ đòi nợ thuê
Hoạt động tín dụng đen kèm việc đòi nợ theo kiểu xã hội đen hiện là vấn nạn đe dọa nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của người dân và gây mất an ninh trật tự. Sự khai sinh hợp pháp của các công ty thu hồi nợ đã góp phần hỗ trợ “tích cực” cho tín dụng đen phát triển rầm rộ và công khai hơn. Về phía người vay, họ tiếp cận và được cấp “tín dụng đen” hết sức dễ dàng nhưng đó là cái bẫy và khó thể trả nợ và lãi vay do lãi suất quá cao. Đến khi mất khả năng trả nợ thì bản thân hoặc gia đình phải trả giá bằng sự an toàn của tính mạng. Khi đó các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý hành vi vi phạm pháp luật thì đã muộn màng.
Quy định hiện hành đã có các quy định để xử lý hình sự đối với hoạt động tín dụng đen (cho vay lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên). Tuy nhiên, để giải quyết được vấn nạn này, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, quyết liệt áp dụng các hình thức chế tài thì cũng phải tuyên truyền để người dân biết sự biến tướng của hoạt động “tín dụng đen” cùng những hậu quả có thể xảy ra.
Đa số các đối tượng cho vay nặng lãi điều có một đội ngũ đòi nợ thuê, với không ít người đòi nợ là đối tượng phạm tội. Hầu hết các vụ đòi nợ thuê đều kết thúc bằng các hành vi vi phạm pháp luật. Thế nên, giải pháp chấm dứt hoạt động của các công ty đòi nợ thuê mà UBND TPHCM đã kiến nghị là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất, ngăn chặn từ gốc vấn nạn đòi nợ theo kiểu xã hội đen, góp phần hạn chế hoạt động tín dụng đen hiện nay.
Ông NGUYỄN HOÀNG MINH, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM: Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn
Những trường hợp tìm đến tín dụng đen thường ở những vùng sâu, vùng xa, đến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn. Cùng đó, những người dân không có phương án sản xuất kinh doanh, không có tài sản đảm bảo và không có nguồn thu nhập ổn định để chứng minh nguồn trả nợ nên không đủ điều kiện vay ngân hàng hoặc các công ty tài chính. Do đó, họ “vay ngoài” với mức lãi suất cao và bị thu hồi nợ theo kiểu xã hội đen khủng bố, khi không trả được nợ lẫn lãi vay.
Để giảm thiểu hoạt động tín dụng đen thì nhiều ngành, nhiều cấp cùng có trách nhiệm. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng phải có các giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận vốn, thay vì tìm đến tín dụng đen. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đề nghị các tổ chức tín dụng cơ cấu lại mạng lưới theo hướng phủ khắp 24 quận - huyện để người dân tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng được thuận tiện, dễ dàng.
Cùng đó, các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính cũng được đề nghị đa dạng các sản phẩm cho vay tiêu dùng, đưa đến người dân, tiểu thương (đối với học sinh - sinh viên do Ngân hàng Chính sách đảm đương). Những trường hợp không có công ăn việc làm hoặc tiểu thương, người mua bán nhỏ lẻ hay nông dân, thậm chí những người chạy xe ôm với thu nhập bấp bênh, cũng được tạo điều kiện tiếp cận các sản phẩm cho vay tiêu dùng, dù có nhiều rủi ro trong việc thu hồi nợ.
Qua đó, nhiều sản phẩm như “cho vay chợ”, “cho vay trả góp” (theo ngày, tuần, tháng)… phù hợp với bà con tiểu thương, người không có thu nhập ổn định, để góp phần hạn chế tín dụng đen đã được triển khai. Những năm qua, mức cho vay tiêu dùng tại TPHCM tăng lên rất nhiều (năm 2008 các ngân hàng thương mại dành cho vay tiêu dùng chỉ 3,9% tổng dư nợ nhưng đến cuối năm 2018 thì đạt gần 20% tổng dư nợ). Mức cho vay tiêu dùng tại TPHCM hiện xấp xỉ 400.000 tỷ đồng.
Nhìn chung, hoạt động cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM thời gian qua khá hiệu quả (nợ xấu khá thấp, dưới 3%) nên Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đề nghị nhân rộng mô hình này, đảm bảo lãi suất cho vay phù hợp. Chúng tôi cũng nhấn mạnh đến văn hóa thu hồi nợ, phải đảm bảo văn minh, lịch sự, tạo điều kiện cho người vay trả nợ chứ không phải đòi nợ theo kiểu xã hội đen.