Chiến dịch “săn đầu người” được triển khai từ các trường đại học. Các doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra các đãi ngộ hấp dẫn, như trợ cấp nhà ở, các khoản vay cho sinh viên và nhiều thứ khác để thu hút tài năng trẻ. Trợ cấp nhà ở đang trở thành đãi ngộ hấp dẫn nhất cho người lao động khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của Nhật Bản khiến nhiều người gặp khó khăn.
Công ty Nippon Life, một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất Nhật Bản, đã bỏ chi phí xây dựng ký túc xá cho nhân viên. Năm 2023, công ty xây tòa nhà gồm 200 phòng tại một khu đất gần Tokyo Disneyland. Nhân viên của Nippon Life sống tại đây chỉ phải trả chưa đến 1/3 tiền thuê nhà so với giá trung bình. Tương tự, Công ty Thương mại Itochu đầu tư một tòa nhà ở cho nhân viên nam, chỉ cách văn phòng của công ty tại Tokyo 30 phút đi tàu. Ngoài bữa sáng và bữa tối trong tuần cung cấp miễn phí cho nhân viên, tòa nhà còn có các lợi ích khác bao gồm quầy bar, quán cà phê và phòng xông hơi khô. Itochu cũng sẽ xây một tòa nhà mới cho lao động nữ trong năm 2025.
Bên cạnh đó, các chế độ phúc lợi khác dành cho nhân viên cũng ngày càng phổ biến. Các doanh nghiệp tuyển dụng những sinh viên mới tốt nghiệp bằng cách hoàn trả khoản vay sinh viên. Theo một nghiên cứu từ Tổ chức Dịch vụ sinh viên Nhật Bản, số lượng doanh nghiệp áp dụng hình thức này đã tăng gấp đôi kể từ tháng 11-2023 đến cuối năm 2024. Các công ty như Tokyo Energy & Systems cung cấp cho người lao động tới 20.000 yen (127 USD) mỗi tháng để trả các khoản vay sinh viên, tổng cộng giới hạn ở mức khoảng 3,6 triệu yen (22.800 USD).
Các đãi ngộ được triển khai trong bối cảnh thị trường lao động Nhật Bản đang sụt giảm khiến hoạt động doanh nghiệp bị thu hẹp. Theo thống kê của Ngân hàng dữ liệu Teikoku Databank, trong số hơn 27.000 công ty tham gia khảo sát trong tháng 4-2024, tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng nhất xảy ra trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ thông tin. Hơn 70% các công ty trong ngành cho biết họ không có đủ nhân công. Một số công ty thừa nhận bất chấp sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), họ đã phải từ bỏ các dự án vì thiếu nguồn lực. Chỉ trong nửa đầu năm 2024, số lượng công ty phá sản do thiếu lao động đã tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Ông Takayasu Otomo, nhà nghiên cứu tại Teikoku Databank, cho biết hiện tượng này có thể gây ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng dẫn đến “một làn sóng phá sản hoặc sáp nhập”.
Theo Nikkei Asian Review, dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản, từ 15 đến 64 tuổi, hiện là 74 triệu người, tương ứng mức giảm 15% so với năm 1995 và dự kiến sẽ giảm thêm 18 triệu người vào năm 2050. Hiện nhiều chuyên gia đề nghị Nhật Bản phải toàn cầu hóa lực lượng lao động của mình, nghĩa là tuyển dụng thêm nhiều nhân lực quốc tế một cách cấp bách. Các tập đoàn Nhật Bản đang phải đẩy mạnh tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học và thực tập sinh kỹ thuật từ các nước châu Á khác để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, giữ chân nhân tài ngoại quốc không dễ. Nhật Bản đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đối với nhân tài nước ngoài, khi Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan cũng đang thu hút lao động để củng cố lực lượng lao động đang giảm sút.