Theo TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, môi trường chính sách thông thoáng trong năm 2025 không chỉ thúc đẩy năng lượng tái tạo trong nước, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đáp ứng yêu cầu xanh hóa chuỗi cung ứng của các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhấn mạnh, khi nhu cầu sử dụng điện tăng, tổng chi phí sản xuất điện, chi phí truyền tải, vận hành… càng đội lên. Việc người dân và doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ góp phần giảm chi phí đầu tư vào lưới điện và cơ sở hạ tầng.

Đối với doanh nghiệp, đặc biệt vào giờ cao điểm, khi hệ thống điện chịu nhiều áp lực thì hệ thống điện mặt trời mái nhà lại phát ở mức tối ưu, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí điện năng trong dài hạn, từ đó nâng cao tính ổn định trong hoạt động sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Với người dân, lợi ích thấy rõ là tiết kiệm chi phí. Với mức tiêu thụ từ 401 kWh trở lên, giá điện đã hơn 3.000 đồng/kWh. Nếu sử dụng điện mặt trời mái nhà, có thể giảm đáng kể hóa đơn tiền điện hàng tháng.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC cho biết, từ khi Nghị định 58 được ban hành, số lượng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn gần 500 khách hàng, với tổng công suất khoảng 46 MWp.
Ngành điện TPHCM mong muốn người dân và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành trong việc phát triển năng lượng tái tạo cũng như áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện để giảm chi phí sử dụng điện.