Đô thị hóa chủ động
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 3.000USD/năm (TPHCM gần 10.000USD/người/năm). Để mức thu nhập này vượt qua bẫy thu nhập trung bình, mức 6.000 - 7.000USD/người/năm, trong thời gian ngắn đòi hỏi tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước phải ở mức cao, trên 7%/năm (trong 9 tháng, cả nước tăng trưởng 6,98%; TPHCM tăng trưởng 7,81%). Trong đó, các địa phương là mũi nhọn, đầu tàu của cả nước, đặc biệt là TPHCM, Hà Nội và một số vùng kinh tế trọng điểm của cả nước phải đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Để trả lời cho câu hỏi có thể đạt được mức tăng trưởng cao thì phải xem xét các tiềm lực, dư địa hiện có. Ở nước ta, năng suất lao động ở nông thôn thấp, kéo năng suất lao động chung xuống thấp. Cả nước có khoảng 33 triệu người ở đô thị thì ở nông thôn có 66 triệu người. Cho nên, nếu không phát triển đô thị và phát triển công thương nghiệp để “đảo ngược” tỷ lệ người ở đô thị và nông thôn, tức khoảng 60% người ở đô thị, khu công nghiệp và 40% ở nông thôn, sẽ rất khó có được năng suất lao động cao. Vì thế, cần tạo điều kiện để một lượng lớn dân số nông thôn được đô thị hóa, công nghiệp hóa một cách bài bản và chủ động, thay vì nặng tự phát như lâu nay.
Để quy hoạch đô thị hóa, trước hết phải phát triển giao thông - vận tải; các đô thị mới phải nằm ở những nơi liên kết được cả vùng, cả nước. Đất nước ta trải dài trên mảnh đất hình chữ S, nên khi đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam, tốc độ cao (150 - 200km/giờ), hầu hết các tỉnh - thành đều dễ dàng tiếp cận, nhưng phải đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách và vận tải hàng hóa (đường sắt cao tốc chỉ phù hợp với vận tải hành khách).
Khi tuyến đường sắt tốc độ cao hình thành sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển đô thị chủ động, xung quanh các nhà ga (tại các tỉnh - thành). Mỗi khu đô thị mới rộng 300 - 500ha, tập hợp khoảng 50.000-100.000 người/đô thị. Việc tập hợp này là không khó khăn, vì đây là đường sắt tốc độ cao thuận lợi cho việc đi lại, phục vụ sản xuất và giao thương nhanh chóng, an toàn, cước phí rẻ, đúng giờ. Khi đó, lao động địa phương cũng tìm đến các đô thị này làm việc, tạo ra được năng suất lao động cao hơn. Doanh nghiệp, nhà máy xung quanh các đô thị mới sẽ có nguồn lao động giá rẻ hơn và thông qua đường sắt, sẽ dễ dàng vận chuyển vật tư, nhiên liệu hoặc cung ứng hàng hóa đến các thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Như vậy, giải pháp nêu trên vừa giải quyết vấn đề xã hội (tạo việc làm mà người lao động không tốn kém nhiều cho việc đi lại, ăn ở), vừa thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tổng vốn đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 26 tỷ USD. Có ý kiến nhận xét rằng, đầu tư này tốn kém nhưng trong tổng thể phát triển kinh tế, việc đầu tư này sẽ mang lại hiệu quả tổng hợp lâu dài. Trong đó, chính việc chủ động tổ chức đô thị hóa, phát triển công nghiệp dọc theo trục đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa giải quyết vấn đề xã hội, mang lại lợi ích cho người dân, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Đường sắt còn góp phần giải quyết bài toán giao thông vận tải bất cập của cả nước trong điều kiện hiện nay và hàng chục năm sau.
Tạo năng suất vượt trội
Hiện nay, nhiều lĩnh vực ở nước ta còn dư địa lớn để tăng năng suất lao động, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, điều kiện là phải có cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp để khai thác tốt các dư địa đó. Cụ thể, lao động của chúng ta hiện nay đại bộ phận làm ăn cá thể, manh mún, từ nông nghiệp đến tiểu thủ công nghiệp, tiểu thương, dịch vụ… năng suất lao động còn thấp. Vì thế, nếu có sự tổ chức lại lao động (một trong những hình thức thích hợp là mô hình hợp tác xã) tốt để có điều kiện thuận lợi trang bị máy móc kỹ thuật, tổ chức sản xuất theo công nghệ hiện đại thì năng suất cũng như chất lượng sản phẩm sẽ được nâng cao.
Thực tế chủ trương tổ chức lại, hình thành các HTX đã có nhiều năm nhưng trong thực hiện còn buông lơi, thiếu quyết liệt. Chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, nếu chuyển được đại bộ phận người lao động vào HTX sẽ nâng cao năng suất lao động và làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp lên gấp nhiều lần hiện nay (xuất khẩu nông sản cả nước trong 9 tháng đạt hơn 30 tỷ USD).
Ngoài ra, trong sản xuất công nghiệp hiện nay, các nước đã sử dụng robot, máy móc thiết bị hiện đại. Thế nhưng, công nghệ của nền sản xuất cả nước, kể cả là nơi đầu tàu, phát triển nhanh của cả nước về công nghiệp là TPHCM thì công nghệ vẫn ở mức trung bình, có nơi còn lạc hậu. Đây chính là dư địa có thể phát triển. Trong vấn đề này, TPHCM đặt yêu cầu đổi mới từ nhiều năm qua nhưng đến nay đa số chưa thực hiện được. Do đó, Trung ương cần có chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ (thuế, cho vay ưu đãi) cũng như hạn chế các hoạt động sản xuất công nghiệp lạc hậu (như đánh thuế cao với thiết bị máy móc xả thải nhiều). Các chính sách này cần được tập trung ở khu vực trọng tâm, trọng điểm như TPHCM. Khi có sự tập trung thực hiện chính sách đổi mới thiết bị máy móc thì chắc chắn sẽ tạo ra năng suất lao động cao, tạo ra mức tăng trưởng cao hơn 7% cho cả nước.
Một vấn đề quan trọng khác là cần phân bổ nguồn lực hợp lý để có tăng trưởng nhanh. Việc phân bổ ngân sách - nguồn lực được xem là giải pháp cơ bản nhất tạo hiệu quả tích cực cho tăng trưởng kinh tế của cả nước. Do đó, liên quan đến vấn đề này cũng cần xem xét lại tỷ lệ phân bổ nguồn lực quốc gia, nên phân bổ vào địa phương, ngành nghề làm ăn hiệu quả. Sau hơn 30 năm “đổi mới” mà còn nhiều tỉnh chưa cân đối được thu chi thì việc phân bổ ngân sách là điều cần xem xét nghiêm túc. Trung ương nên tính toán lại những yêu cầu, mục tiêu phát triển và chỉ tiêu tăng trưởng từng địa phương cho phù hợp.
Ở TPHCM, việc phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển vừa qua cũng cần rà soát điều chỉnh. Với sự cho phép thí điểm cơ chế chính sách đặc thù, chúng ta có thể chủ động điều chỉnh nguồn lực đầu tư một cách hợp lý và hiệu quả hơn cho nền kinh tế và xã hội, không để bất hợp lý như hiện trạng. Định hướng điều chỉnh đó là cân đối giữa đầu tư cho cơ sở vật chất và đầu tư cho con người; cân đối giữa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật với kết cấu hạ tầng xã hội (nhất là trường học, bệnh viện, nhà ở cho người có thu nhập thấp).
Cùng với đó là việc cân đối giữa đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật với cơ sở vật chất sản xuất kinh doanh trực tiếp và vốn hoạt động, đặc biệt là cho đổi mới công nghệ; cân đối giữa đầu tư cho sản xuất vật chất với đầu tư phát triển sản phẩm tinh thần, văn hóa nghệ thuật và khoa học công nghệ.
Tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của TPHCM TPHCM có nhiều ý tưởng hay và đầy sáng tạo, như hình thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, triển khai dịch vụ di động 5G… Để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của cả nước, TPHCM phải nhanh chóng hiện thực hóa các ý tưởng này. Trong thực hiện cần lưu ý thí điểm ở một vài nơi có các trụ cột quan trọng, như Đại học Quốc gia TPHCM, Khu Công nghệ cao… Những nơi thí điểm này sẽ được tập trung cho việc hình thành đô thị thông minh, thành phố kinh tế tri thức để có thể vừa xây dựng được thành mô hình (rồi nhân rộng ra các nơi khác), vừa là đầu tàu thúc đẩy phát triển của cả TPHCM. Ngoài ra, trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TPHCM phải ráo riết chuẩn bị và chọn lựa mũi nhọn, ngành nghề, sản phẩm mà TPHCM có thể tham gia vào cuộc cách mạng này. Sau khi đã lựa chọn thì phải nhanh chóng tập trung đào tạo được nguồn nhân lực trình độ cao, chuẩn bị tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. |