Giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn để TP Thủ Đức bứt phá
SGGPO
Ngày 16-12, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ cùng Trường Đại học Tài chính - Marketing tổ chức Hội thảo Giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn nhằm tạo sự bứt phá trong phát triển qua thực tiễn chính quyền đô thị kiểu mới TP Thủ Đức (TPHCM).
Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ cùng Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing chủ trì hội thảo.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng phát biểu, TP Thủ Đức đã được chính thức thành lập năm 2022 với diện tích tự nhiên 211, 56 km², dân số trên 1.013, 795 người, với 34 đơn vị cấp phường. Chính quyền TP Thủ Đức vẫn được vận hành tương tự như mô hình chính quyền cấp quận/huyện nên gặp rất nhiều vấn đề bất cập trong thực tế vận hành hoạt động. Trong đó, có thể tập hợp thành 3 nhóm vấn đề lớn, đó là thể chế, cơ chế đặc thù; cơ sở hạ tầng đô thị; nhân lực.
“TP Thủ Đức sẽ khó trở thành đô thị sáng tạo tương tác cao, thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo, động lực tăng trưởng của TPHCM và khu vực, nếu như không giải tỏa 3 nhóm vấn đề đang tắc nghẽn”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng nhấn mạnh.
Tiến sĩ Lê Quốc Thành phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: TRẦN YÊN
Tại hội thảo, các nhà khoa học trình bày tham luận, đóng góp ý kiến, bình luận nhằm tháo điểm nghẽn và hoàn thiện mô hình, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội đối với chính quyền đô thị kiểu mới TP Thủ Đức.
Với tham luận “Phát triển thành phố thông minh theo tư duy toàn diện, cân bằng và một số gợi ý cho TP Thủ Đức”, Tiến sĩ Lê Quốc Thành (Đại học Tài chính - Marketing) gợi ý, TP Thủ Đức là một thành phố cửa ngõ, vừa là trung tâm gồm nhiều khu vực mới phát triển, có địa hình và vị trí đặc thù. TP Thủ Đức cần có sự nghiên cứu điều chỉnh thận trọng và đề xuất đưa vào quy hoạch và xây dựng thành phố nhằm hướng đến thành phố có nền tảng phát triển “thông minh”, hiệu suất cao và hướng đến vì chất lượng cuộc sống dân cư.
Trình bày tham luận “Nhân lực số - giải pháp thông minh cho sự phát triển bền vững của TP Thủ Đức trong bối cảnh hiện nay”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng cho rằng, nguồn nhân lực số chính là một trong các giải pháp thông minh cho sự phục hồi và phát triển bền vững của TP Thủ Đức. Hướng đi này phù họp với xu hướng số hóa, là một trong những giải pháp căn cơ, giúp đột phá trong phát triển theo chiều sâu và phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước trong chiến lược phát triển số hóa; quản trị số, kinh tế số và xã hội số.
Quang cảnh buổi hội thảo khoa học. Ảnh: TRẦN YÊN
Hội thảo còn nghe nhiều ý kiến tham luận, bình luận từ các nhà khoa học. Những vấn đề các nhà khoa học phát biểu tại hội thảo đều có hàm lượng chất xám cao, sát thực với tình hình thực tế TP Thủ Đức hiện nay.
Một số nội dung tham luận tiêu biểu như, “Bàn về một số cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức, theo mô hình đô thị kiểu mới”, “Tháo gỡ điểm nghẽn của TP Thủ Đức nhìn từ mối quan hệ với TPHCM”, “Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng xây dựng chính quyền số tại TP Thủ Đức”...