Theo đó, Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ VH-TT-DL, có trách nhiệm đầu tư đồng bộ, hiện đại; đồng thời có quy chế quản lý và sử dụng khoa học, hiệu quả đối với công trình này. Đây được xem là cơ sở để Khu LHTTQG có thể giải quyết được những tồn tại, trong đó có khoản nợ tiền thuế đất lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, cũng như có phương án khai thác hiệu quả trong tương lai.
Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình |
Trong kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có nội dung đề nghị 9 đơn vị, gồm các bộ ngành và cơ quan chức năng thuộc TP Hà Nội phải phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn cho Bộ VH-TT-DL các phương án giải quyết vấn đề phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ VH-TT-DL phối hợp với Bộ Tài chính và một số đơn vị hữu quan khẩn trương lập phương án tự chủ tài chính của Khu LHTTQG cho phù hợp với mô hình hoạt động và chức năng, nhiệm vụ được giao.
Rõ ràng, những gì đang vướng mắc tại Khu LHTTQG không chỉ mang tính điển hình cho vấn đề quản lý các cơ sở vật chất thể thao do nhà nước đầu tư mà còn liên quan đến cách ứng xử, khai thác những công trình tầm vóc quốc gia hoặc mang tính biểu tượng của ngành thể thao.
Trên thực tế, Khu LHTTQG hay những cơ sở vật chất thể thao do nhà nước đầu tư hiện đều được giao cho các đơn vị quản lý tự chủ về tài chính, theo phương án chủ động liên kết, liên doanh để khai thác nguồn thu tích lũy phục vụ cho công tác bảo dưỡng, bảo trì. Tuy nhiên, dù có diện tích lớn nhưng việc khai thác doanh thu lại chủ yếu dựa trên phần quỹ đất bên ngoài công trình chính và chủ yếu là đem cho thuê mặt bằng hoặc hợp tác kinh doanh nhỏ lẻ.
Phần quỹ đất này thường không đầy đủ pháp lý nên quá trình khai thác lại dễ vi phạm các quy định về thuế cũng như tính hợp pháp của hợp đồng liên kết, liên doanh. Nhưng nếu không tổ chức khai thác quỹ đất này thì đơn vị được giao quản lý sẽ khó tự chủ về tài chính khi việc cho thuê hay tổ chức sự kiện ở công trình chính theo đúng công năng phụ thuộc khá nhiều vào đối tác. Trong khi đó, công trình vẫn phải bảo đảm chất lượng và thời gian phục vụ cho hoạt động của ngành, địa phương.
Sự có mặt của rất nhiều bộ ngành trong quá trình “gỡ rối” cho Khu LHTTQG thể hiện được sự phức tạp trong hoạt động của cơ sở vật chất thể thao, nhất là các công trình thuộc quản lý của Bộ VH-TT-DL nhưng lại đăng ký và chịu sự quản lý kinh doanh của địa phương. Vướng mắc lớn nhất nằm ở chỗ, những công trình quốc gia ngoài chức năng chuyên môn, thông thường phải đảm nhiệm một số nhiệm vụ mang tính hình ảnh, thể hiện được tầm vóc và đẳng cấp cũng như luôn ở trong tình trạng sẵn sàng để phục vụ các sự kiện quốc tế.
Rõ ràng, đây là bài toán mà không chỉ ngành thể thao hay Bộ VH-TT-DL có thể giải quyết được. Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nêu rõ, cơ sở để giải quyết chính là phân loại từng phần việc, điều chỉnh quy hoạch của Khu LHTTQG và căn cứ vào đó để lập phương án tự chủ tài chính cho phù hợp với chức năng cũng như tính đặc thù về nhiệm vụ của các công trình thể thao quốc gia có tầm cỡ khu vực, châu lục.
Đó cũng là tiền đề lập nên những kế hoạch khả thi cho các công trình lớn hơn sẽ được đầu tư cho ngành thể thao Việt Nam trong tương lai.