Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).
Diễn đàn tập trung nghiên cứu các mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước những thách thức khủng hoảng Covid -19 đối với các hiệp hội, doanh nghiệp; chia sẻ những ý kiến từ phía các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước giúp các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các khó khăn sau dịch; thảo luận về tác động, thách thức và những vấn đề mà Covid-19 gây cho Việt Nam và định hướng cho các doanh nghiệp để thoát khỏi khủng hoảng và đưa ra các biện pháp nâng cao trình độ quản lý, cải thiện chất lượng, năng suất lao động, tăng cường tính kỷ luật và hiệu quả tương tác giữa các cá nhân, đơn vị trên diện rộng.
Theo ông Phạm Việt Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam, tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh luôn là vấn đề quan trọng, là mối quan tâm thường trực không chỉ của các nhà quản lý mà còn là bài toán cốt tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.
Đặc biệt, trải qua cơn tàn phá của đại dịch Covid-19, vấn đề định vị lại, điều chỉnh chiến lược, giải pháp sản xuất kinh doanh và mô hình cạnh tranh đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách vừa trước mắt, vừa lâu dài cả ở tầm quốc gia và cả ở tầm doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, không chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, các doanh nhân, doanh nghiệp mà còn có sự chung sức, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Chung quan điểm đó, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng khẳng định: Chính phủ đã rất linh hoạt và chủ động trong ứng phó với đại dịch, các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành là rất quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, nước ta đã giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập được môi trường ổn định cho các ngành phục hồi.
Bên cạnh đó, TS. Võ Trí Thành cũng đề xuất, cần tiếp tục triển khai thực hiện hiện quả hơn nữa các giải pháp, gói hỗ trợ đã được Chính phủ đề ra tương đối đồng bộ và toàn diện, nhất là những giải pháp về hoãn, giãn, miễn, giảm thuế, phí đối với doanh nghiệp; xem xét thực hiện các gói kích thích kinh tế mới phù hợp với điều kiện thực tế; tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, năng lực chống chịu trước các biến động kinh tế của các doanh nghiệp; thực hiện tốt các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gắn liền với tăng cường tính minh bạch hóa thị trường…
Nhiều ý kiến đã tập trung phân tích, tìm giải pháp giúp gia tăng doanh số đối với doanh nghiệp; việc duy trì việc làm ổn định và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trước các tác động kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra; phát triển các kênh phân phối và mở rộng thị trường sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp; quản trị rủi ro, nắm bắt cơ hội thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, duy trì lợi nhuận bền vững; tăng cường khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp.