Chưa thấy một kết quả khảo sát, điều tra nào được công bố về “thang đo thái độ” của người dân đối với ngập lụt đô thị, nhưng nếu có, chắc rằng nhiều người sẽ “kêu khổ” vì nước ngập.
TPHCM, Cần Thơ và nhiều đô thị nhiều năm qua liên tục bị ngập sâu, gây tắc nghẽn giao thông, đảo lộn sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh kế người dân. Triều cường năm nay đã vượt đỉnh cao nhất gần đây vào năm 2019. Ngập do biến đổi khí hậu, nước dâng, sụt lún đất, hay nguyên nhân nào khác?
Các nhà khoa học đã nhận diện, hiện tượng “ngập tràn cục bộ” tại các đô thị có tác động của thời tiết, chế độ thủy văn, triều cường cộng với mưa lớn kéo dài trên diện rộng, nhưng nguyên nhân còn do chính con người đã chiếm mất không gian của nước, kéo nước lợi từ sông thành nước hại dâng lên ngập sâu trên phố.
Các “túi chứa” nước vốn được điều tiết tự nhiên hàng ngàn năm qua ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, rừng đầu nguồn sông Đồng Nai… bị phá vỡ. Nhiều kênh rạch tự nhiên bị xóa sổ nhường chỗ cho công trình xây dựng. Hệ quả là một con đường được nâng cao gây ngập nặng nhiều đường khác. Ở các thành phố lớn nhỏ, cũ mới đều trong tình trạng quy hoạch lỗi thời, thiếu giải pháp đồng bộ, thực hiện quy hoạch không nghiêm; mạnh ai nấy làm, thiếu phối hợp, thừa chồng chéo.
Chương trình chống ngập ở TPHCM và các tỉnh hàng chục năm qua tiêu tốn hàng trăm ngàn tỷ đồng ngân sách, nhưng ngập vẫn hoàn ngập, năm sau cao hơn năm trước.
Để khắc phục tình trạng phố ngập, không phải là chi nhiều tiền cho các công trình xây dựng, mà cần khắc phục, thay đổi “tư duy ngập nước”, chuyển từ chống ngập triệt để sang điều tiết nước linh hoạt, với các tính toán khoa học và thực tế, đồng thời thích ứng bằng cách điều chỉnh lịch làm việc, thời gian đi lại.
Đặc biệt, hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, Vàm Cỏ và sông Tiền, sông Hậu chịu ảnh hưởng của chế độ thủy văn “bán nhật triều”. Từ xưa, người miền Nam đã biết thuận thiên trong sinh hoạt, đi lại, sản xuất theo nước lớn, nước ròng hàng ngày, con nước rong, nước kém hàng tháng. Khác với lũ bất ngờ, triều cường thường “đến hẹn lại lên”, cao điểm hàng năm thường rơi vào trung tuần tháng 9 âm lịch. Nước dâng cao, phố ngập sâu, nhưng chỉ trong 1-2 giờ sẽ rút cạn với điều kiện là hệ thống cống thoát nước tốt. Tuy việc này lặp lại thường xuyên, nhưng nhiều nơi chỉ lo mỗi việc tôn nền, nâng đường né được ngập chỗ mình thì dồn cái khó cho nơi khác.
Chống ngập cần những giải pháp công trình, kỹ thuật, việc kiểm soát lũ, triều cường bằng hệ thống đê, cống đồng bộ, trạm bơm, hệ thống thoát nước... Nhưng quan trọng hơn vẫn là các giải pháp phi công trình, là tư duy, theo cách tiếp cận vùng, không cục bộ địa phương, tránh xung đột lợi ích.
Đợt triều cường vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ đã phản ứng nhanh bằng cách cho các trường căn cứ tình hình thực tế có thể chuyển trạng thái từ giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến từ ngày 11 đến 13-10. Một số trường đại học trong vùng cũng thích ứng kịp thời. Tuy nhiên, việc thích ứng này cũng cần được chuẩn bị tốt bằng các phương thức làm việc linh hoạt.
Đã đến lúc người dân, doanh nghiệp, cơ quan, trường học có thể dựa vào khuyến cáo của cơ quan dự báo thời tiết, thủy văn để điều chỉnh lịch làm việc, đi lại cho phù hợp, không thể chỉ quẩn quanh với các giải pháp công trình.
Phố ngập không chỉ do biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà còn do “tư duy ngập nước” của con người. Việc chống ngập tại các đô thị không chỉ là chuyện quanh quẩn ở đô thị, là việc của các thành phố, cần có cách tiếp cận vùng, cũng là chuyện thiết thân hàng ngày của người dân và tư duy phát triển của chính quyền để không phí tiền đổ xuống mà nước vẫn dâng lên gây khó, làm khổ người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội.