Giải pháp nào cho khủng bố “giá rẻ”?

Ngày 21-8, hãng BBC đưa tin một chiếc xe đã lao vào 2 bến xe buýt ở TP Marseille (Pháp), làm ít nhất 1 người chết, 1 người bị thương và tài xế đã bị bắt tại hiện trường.
Máy bay không người lái có thể trở thành công cụ tấn công khủng bố
Máy bay không người lái có thể trở thành công cụ tấn công khủng bố
Tăng cường an ninh không giải quyết được vấn đề

Phía cảnh sát cho biết, kẻ gây án có tên trong hồ sơ cảnh sát Pháp với một số tội danh nhỏ và có vấn đề về tâm thần. 

Báo chí địa phương dẫn một nguồn tin tư pháp cho biết, các công tố viên của Pháp sẽ không điều tra vụ việc theo hướng đây là vụ khủng bố. 

Vụ việc xảy ra chỉ 4 ngày sau loạt vụ tấn công bằng hình thức đâm xe vào đám đông ở Tây Ban Nha, làm 15 người chết, hơn 130 người bị thương. Toàn bộ nạn nhân thiệt mạng đã được nhận dạng, theo đó, có 6 người Tây Ban Nha, 3 người Italia, 2 người Bồ Đào Nha, 1 người Bỉ, 1 người Canada, 1 người Mỹ và 1 người Australia gốc Anh.

Ngày 21-8, Bộ trưởng Nội vụ của vùng Catalonia (Tây Ban Nha), ông Joaquim Forn, đã công bố nhận dạng kẻ lái chiếc xe tải lao vào đám đông ở TP Barcelona là Younes Abouyaaqoub (22 tuổi), người Morocco, sinh sống tại thị trấn Ripoll, Catalonia. 

Tối 21-8, hãng Reuters đưa tin cảnh sát Tây Ban Nha đã bắn chết một đối tượng nhiều khả năng là Younes Abouyaaqoub, tại Subirats, phía Tây Barcelona.

Trong bối cảnh châu Âu còn ấn tượng rõ nét với loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại vùng Catalonia, giới chuyên gia nhận định việc tăng cường an ninh và triển khai thêm lực lượng thực thi pháp luật trên đường phố ở châu Âu không còn là phương thức hiệu quả để bảo vệ người dân trước mối đe dọa khủng bố. 

Đánh giá về những vụ tấn công mới đây tại Tây Ban Nha cũng như loạt vụ khủng bố bằng xe tại các TP Nice (Pháp), Berlin (Đức) và London (Anh) xảy ra trước đó, ông Kader Abderrahim, một chuyên gia tới từ Viện Nghiên cứu vấn đề chiến lược và quốc tế Pháp (IRIS), cho rằng, IS đang theo đuổi chiến lược bạo lực toàn cầu nhằm vào bất kỳ ai. 

Theo ông Abderrahim, chủ nghĩa khủng bố “giá rẻ” đang là một xu hướng trong bối cảnh IS càng bị suy yếu tại Iraq, Syria và Libya. Những kẻ khủng bố ngày càng tiến hành nhiều cuộc tấn công với chi phí thấp, như chỉ cần thuê một chiếc xe tải lao vào đám đông là đã có thể gây nhiều thương vong. 

Ông Abderrahim cho rằng đã đến lúc các nước cần tập trung giải quyết vấn đề chính trị và từ bỏ suy nghĩ rằng việc triển khai thêm cảnh sát và lực lượng quân đội sẽ có thể giải quyết được các vấn đề. 

Phải giải quyết căn nguyên vấn đề 

Tương tự, đề cập tới việc tăng cường giám sát nhằm ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố tại Pháp, ông Jean-Vincent Brisset, Chuẩn tướng đã về hưu không quân Pháp và là chuyên gia cấp cao tại IRIS, nhận định, chiến dịch quân sự Sentinelle được triển khai sau các vụ tấn công khủng bố hồi năm 2015 tại Paris không giúp loại bỏ mối đe dọa mà chỉ là biện pháp trấn an người dân. 

Theo chuyên gia này, chính vấn đề của dân chủ đã hạn chế năng lực của các lực lượng an ninh trong việc can thiệp vào các hoạt động đáng ngờ để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố. Ông Brisset cũng nhận định việc mở cửa biên giới châu Âu là một trong những lý do khiến các vụ tấn công khủng bố gia tăng, song nhấn mạnh cốt lõi vấn đề lại nằm ở các chính sách quá khác biệt và thiếu sự liên lạc giữa các nước châu Âu, cũng như thiếu sự đảm bảo an ninh biên giới. 

Theo ông Brisset, sở dĩ TP Barcelona (Tây Ban Nha) mới đây trở thành mục tiêu khủng bố là vì giới chức thành phố này đã quá khoan dung với người di cư, trong đó có những đối tượng được các phần tử khủng bố chiêu mộ. 

Để đối phó chủ nghĩa khủng bố, chuyên gia Abderrahim nhận định, châu Âu cần giải quyết các cuộc xung đột tại Trung Đông và các vấn đề phát sinh từ sự can dự của phương Tây tại Iraq kể từ năm 2003 và tại Libya năm 2011. 

Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết căn nguyên của vấn đề chứ không phải hậu quả của nó để có thể đưa ra cách thức đối phó dứt khoát với chủ nghĩa khủng bố. Ông nêu rõ: “Chúng ta cần có một cuộc tranh luận thực sự về ngoại giao, về chính sách đối ngoại của phương Tây liên quan tới thế giới Arab”.
Rolf Tophoven, người đứng đầu Viện Nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố và chính sách an ninh ở TP Đức Essen, nhận định trong tương lai gần, ở các thành phố lớn của châu Âu, khủng bố sẽ chuyển sang sử dụng máy bay không người lái có nhồi chất nổ.  Chuyên gia này tin chắc khủng bố đã chọn Barcelona an toàn để tấn công nhằm thu hút sự chú ý lớn hơn. Trong khi đó, các tiêu đề nóng trên trang nhất báo chí và phương tiện truyền thông chỉ làm tình hình trầm trọng thêm, cần phải từ bỏ cách xử sự như vậy.

Tin cùng chuyên mục