Phố đi bộ Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé) “nổi tiếng” với tình trạng rác thải sau những đợt lễ hội, ông Võ Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, cho biết từ đầu năm tới nay, phường cũng chỉ xử phạt 10 trường hợp xả rác ra đường không đúng quy định với số tiền phạt 3,5 triệu đồng.
Nhiều địa phương đã vào cuộc thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy TPHCM về việc vận động người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước. Bên cạnh việc tuyên truyền, các địa phương cũng áp dụng chế tài đối với các hành vi xả rác ra nơi công cộng, nhưng thực tế việc xử phạt còn nhiều vướng mắc cần có nhiều giải pháp để tháo gỡ.
Vướng mắc trong xử phạt
Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM) Cao Hồng Việt nhận xét, qua công tác tuyên truyền, người dân trên địa bàn phường đã có ý thức hơn trong việc không xả rác ra công cộng. Tuy nhiên, tình trạng rác thải trên đường phố vẫn rất phức tạp, chủ yếu do khách vãng lai, khách du lịch thực hiện.
Nhận xét thêm về thực trạng này, bà Nguyễn Trung Châu Tuyên, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1, cho rằng nguyên nhân chính là do biện pháp chế tài chưa được thực hiện hiệu quả.
“Một người ở Singapore sẽ không dám vứt ra đường cái vỏ kẹo, nhưng về Việt Nam thì vô tư quăng cả bịch rác ra đường. Nguyên do mức phạt ở nước Singapore quá cao, còn xả rác ở Việt Nam thì gần như không bị gì nên người dân vô tư xả rác bất cứ nơi đâu cảm thấy… tiện tay”, bà Châu Tuyên phân tích.
Trên thực tế, quy định xử phạt đối với hành vi tiểu tiện; đổ, xả rác không đúng nơi quy định đã được đề cập cụ thể, tại Điều 20 Nghị định 155/2016 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này gặp nhiều hạn chế.
Sở TN-MT TPHCM kiến nghị lực lượng trật tự đô thị được lập biên bản xử phạt người xả rác. Ảnh: THU HƯỜNG Đơn cử, tại phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), từ đầu năm đến nay chưa có trường hợp xả rác ra công cộng bị xử phạt. Trong khi đó, đối với phố đi bộ Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé) “nổi tiếng” với tình trạng rác thải sau những đợt lễ hội, ông Võ Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, cho biết từ đầu năm tới nay, phường cũng chỉ xử phạt 10 trường hợp xả rác ra đường không đúng quy định với số tiền phạt 3,5 triệu đồng.
So với nhiều địa bàn khác, phường 2 (quận 6) xử phạt khá nhiều người xả rác ra môi trường (163 trường hợp, tính từ đầu năm đến nay). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Dương, Bí thư Đảng ủy phường 2, việc áp dụng hiệu quả Nghị định 155/2016 vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo đó, hành vi xả rác diễn ra nhanh nên để phát hiện thì các lực lượng chức năng phải chốt chặn nhiều nơi. Khi phát hiện vi phạm thì lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm để sau đó, Chủ tịch UBND phường ra quyết định xử phạt.
Thế nhưng, quy định hiện nay không cho phép tạm giữ bất kỳ vật dụng, giấy tờ tùy thân của người vi phạm để thực hiện quyết định xử phạt. Do đó, việc xử phạt, nhất là với những người vi phạm là khách vãng lai càng gặp nhiều khó khăn.
Đề xuất buộc dọn rác
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) nhìn nhận, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tiểu tiện; đổ, xả rác không đúng nơi quy định còn nhiều hạn chế.
Để tháo gỡ bất cập trên, Sở TN-MT đã lấy ý kiến các quận huyện để đề xuất giải pháp tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm về vệ sinh nơi công cộng.
Qua đó, 18/24 quận huyện có ý kiến, hầu hết đề xuất tăng cường lực lượng kiểm tra, lập biên bản vi phạm cho địa phương; cho phép UBND quận huyện, phường xã được sử dụng hình ảnh trích xuất từ thiết bị ghi hình (camera) để “phạt nguội”.
Cụ thể, Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho hay, Đội Quản lý trật tự đô thị và Đội Thanh tra xây dựng địa bàn hiện chưa được phép kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc xử lý vi phạm được kịp thời thì việc giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với người xả rác ra môi trường, tiểu tiện không đúng nơi quy định cho 2 lực lượng này là rất cần thiết.
Ngoài ra, hành vi xả rác nơi công cộng xảy ra nhanh, tức thời trong khi lực lượng kiểm tra còn thiếu nên khó bắt quả tang vi phạm, do đó rất cần có cơ chế “phạt nguội”.
Vì vậy, Sở TN-MT đề xuất được sử dụng hình ảnh từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm đối với hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng.
Đặt vấn đề “phạt nguội”, một số địa phương bày tỏ đồng tình và cho biết, hiện nhiều tuyến đường đã được gắn camera. Lâu nay, từ các hình ảnh camera ghi nhận được, phường chỉ có thể nhắc nhở người vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) Cao Hồng Việt nhận xét, việc cho phép sử dụng hình ảnh từ camera để “phạt nguội” sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc xử phạt người xả rác ra công cộng.
Song, ông Việt cũng đề xuất bổ sung quy định, cho phép lực lượng chức năng tạm giữ vật dụng hoặc giấy tờ tùy thân của người vi phạm để đảm bảo áp dụng hình thức xử phạt.
“Sau khi đóng phạt, nhiều người vẫn không chuyển biến nhận thức về việc bảo vệ môi trường. Vì vậy, bên cạnh hình thức phạt tiền, việc buộc người vi phạm phải dọn rác xả bậy và rửa sạch vị trí tiểu tiện nơi công cộng sẽ hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người vi phạm”, ông Nguyễn Quốc Dương, Bí thư Đảng ủy phường 2 (quận 6), kiến nghị.
Đề nghị công khai thông tin người xả rác Hành vi xử lý, đổ, bỏ chất thải rắn xây dựng (đất, bùn nạo vét, gạch, vữa, bê tông, xà bần) không đúng nơi quy định hiện nay chưa được quy định. Do đó, căn cứ Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Sở TN-MT đề xuất UBND TP xây dựng quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quản lý chất thải rắn xây dựng. Việc này là cần thiết và phù hợp với tình hình phát triển đô thị của thành phố hiện nay. Cũng theo Sở TN-MT, để việc xử lý vi phạm về môi trường có hiệu quả thì cần có sự góp sức của cộng đồng phê phán hành vi vi phạm, tăng hiệu quả tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Do Nghị định 155/2016 không cho phép công khai thông tin hành vi vi phạm vệ sinh công cộng nên Sở TN-MT đề xuất công khai thông tin người tiểu tiện không đúng nơi quy định, xả rác ra công cộng. |
THU HƯỜNG - KIỀU PHONG