Ngày 14-3 tại TPHCM, Bộ Tư pháp phối hợp với Đại sứ quán Vương Quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tại Việt Nam - kinh nghiệm từ Vương quốc Anh”.
Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, tham khảo kinh nghiệm của Vương quốc Anh về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo tinh thần Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư (về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế).
Tại hội thảo, ông Michael Jackson, Phó Chủ tịch Hiệp hội thi hành án Tòa án cấp cao của Vương quốc Anh và ông Alan Smith, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thi hành án cấp cao của Vương quốc Anh, chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản theo cơ chế hình sự, dân sự và thuế. Cùng đó là các cơ chế hợp tác, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong quá trình phòng chống tội phạm, thu hồi tài sản tham nhũng; số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thi hành án dân sự nói chung và thu hồi tài sản nói riêng.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu trao đổi về những đặc thù, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành các vụ việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế…
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) TPHCM, quá trình thi hành án trên địa bàn TPHCM gặp còn nhiều khó khăn. Một số vụ việc, cơ quan thi hành án truy tìm, xác minh tài sản thi hành án của đương sự nhưng sau đó họ làm đơn khởi kiện tranh chấp tài sản chung dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thu hồi tài sản. Điển hình vụ án Trần Phương Bình (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á) giai đoạn 1, cơ quan thi hành án truy tìm được 7 tài sản thì có tới 5 tài sản đương sự khởi kiện tranh chấp tài sản chung. Cơ quan thi hành án phát mãi tài sản trong nhiều trường hợp tài sản chưa được xử lý do gặp khó khăn, vướng mắc liên quan tới tính pháp lý tài sản nên cần thêm thời gian (vụ án Trần Phương Bình, Hứa Thị Phấn…).
Đại diện Cục THADS TPHCM đánh giá, việc phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn có việc ngân hàng không thực hiện chuyển tiền cho cơ quan thi hành án. Từ sự việc trên, dẫn đến việc cơ quan thi hành án phải có văn bản kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, xử lý dấu hiệu vi phạm…