Hiện nay, Huber’s Butchery chỉ có thể phục vụ 6 phần ăn vào duy nhất thứ năm hàng tuần, với món salad gà hoặc xiên gà nướng. Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bán sản phẩm được gọi là thịt sạch không phải là thịt động vật bị giết mổ này. Là một đảo quốc nhỏ, Singapore thiếu tài nguyên thiên nhiên và buộc phải nhập khẩu hơn 90% thực phẩm. Nước này đang muốn cắt giảm 70% lượng nhập khẩu vào năm 2030.
Thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm của Công ty Eat Just. Ảnh: Reuters |
Từ năm 2020, Singapore đã cho phép công ty khởi nghiệp Eat Just của Mỹ bán thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, đến nay loại thịt này đang tiến tới sản xuất hàng loạt ở đảo quốc Sư tử. Tiến độ hơi chậm chủ yếu do chi phí sản xuất cao, cho thấy những thách thức mà ngành này phải đối mặt khi tìm cách đáp ứng nhu cầu về nguồn protein thay thế thịt động vật bị giết mổ.
Giám đốc điều hành Công ty Aleph Farms của Israel, ông Didier Toubia, cho rằng các rào cản về công nghệ, pháp lý và quy mô sản xuất đối với thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm lớn hơn rất nhiều so với thịt làm từ thực vật. Thịt từ phòng thí nghiệm được tạo ra bằng cách nuôi cấy các tế bào cơ của động vật trong một môi trường được kiểm soát. Các chất dinh dưỡng không được tế bào tổng hợp như sắt, vitamin B12... sẽ được bổ sung trong môi trường nuôi cấy để tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng.
Những dấu hiệu ban đầu cho thấy các sản phẩm dành cho người sành ăn có thể sớm mang về lợi nhuận hơn so với các loại thịt thông dụng hàng ngày từ gia cầm, gia súc giết mổ. Tính đến năm 2022, Singapore thu hút được khoảng 30 công ty thử nghiệm phát triển các sản phẩm thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm nhằm nỗ lực cải thiện an ninh lương thực. Công ty Eat Just có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất thịt nhân tạo lớn nhất châu Á ở Singapore vào cuối năm nay, với sản lượng hàng chục ngàn cân.
Trong khi đó, Công ty Avant Meats có trụ sở tại Hồng Công (Trung Quốc) đang có tham vọng sản xuất bong bóng cá, một loại thực phẩm cao cấp trong ẩm thực Trung Quốc, từ phòng thí nghiệm. Hiện Avant Meats đã nộp đơn cấp phép cho sản phẩm của mình tại Singapore và có kế hoạch xây dựng một nhà máy thí điểm để bắt đầu sản xuất vào đầu năm 2024. Hãng tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey dự đoán, giá trị thị trường của ngành sản xuất thịt nhân tạo ở Singapore sẽ tăng lên 25 tỷ USD vào năm 2030.
Những tiến bộ trong sản xuất đã giúp một số công ty cắt giảm chi phí sản xuất tới 90% so với khi họ mới bắt đầu, các giám đốc điều hành trong ngành cho biết. Ví dụ, Công ty Avant Meats đã nghiên cứu thành công thay thế huyết thanh bò với các chất dinh dưỡng để tạo ra thịt nuôi trồng. Giám đốc điều hành Avant Meats Carrie Chan cho biết, công ty có thể sản xuất cá nuôi cấy với giá tương đương với sản phẩm tự nhiên cao cấp.
Sau khi huy động được số vốn kỷ lục 5,1 tỷ USD vào năm 2021, Viện Nghiên cứu thực phẩm sạch có trụ sở ở Mỹ cho biết, lĩnh vực protein thay thế đang đối mặt với triển vọng tài trợ khó khăn, do nhu cầu thịt làm từ thực vật giảm mạnh, điều kiện kinh tế yếu và khả năng lợi nhuận thấp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, Gautam Godhwani, đối tác quản lý tại Công ty đầu tư mạo hiểm Good Startup, Singapore, cho biết, các công ty thành công sẽ tạo ra tác động rất lớn đến hệ thống thực phẩm.