Đây là thành quả xứng đáng cho nỗ lực từ nhiều năm qua của các nhà khoa học, doanh nghiệp đã đồng hành với nông dân nâng chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt.
Để thế giới công nhận thương hiệu gạo Việt, cũng có nghĩa nhà nông Việt Nam có cơ hội làm giàu nhiều hơn trên thửa ruộng của mình mà không cần phải nghĩ đến chuyện ly hương, ly nông kiếm sống tại các thành phố lớn.
Song, khẳng định một thương hiệu gạo chỉ mới là phần đầu của hành trình đem gạo Việt ra tiêu thụ trên thế giới. Còn cái gốc vẫn là nông dân phải tự thân làm mới cách suy nghĩ, cách sản xuất để tự mình đổi mới thửa ruộng nhà mình, sao cho giữ vững được chất lượng đã được thế giới công nhận và chất lượng càng ngày nâng cao. Làm được như vậy thì không còn lo lắng nhiều chuyện hạt gạo ĐBSCL khó tìm đầu ra. Đi tìm một giải pháp lâu dài cho hạt gạo chất lượng cao là trăn trở lớn của ngành nông nghiệp.
Chắc chắn rồi đây giống lúa ST25 sẽ được nông dân ĐBSCL đổ xô trồng. Như thế thì kịch bản “trúng mùa mất giá” có thể tái diễn. Để rồi cứ mỗi khi nông dân trúng mùa là phải huy động các ngành, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng giải cứu lúa. Cứ như vậy thì cho dù trồng lúa chất lượng cao đi nữa, đầu ra của hạt gạo vẫn cứ luôn ở tình trạng bất ổn, người trồng lúa biết bao giờ mới khá lên được.
Vì vậy, ngay bây giờ phải làm cuộc cách mạng cho giống lúa chất lượng cao. Tại ĐBSCL, vụ đông xuân thời tiết thuận lợi, ít sâu rầy, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, rất phù hợp với giống lúa chất lượng, năng suất cao như ST25. Từ đó, gạo sản xuất ra đáp ứng được những tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu thế giới.
Tuy nhiên, trong cơ chế xuất khẩu cũng nên cân nhắc kỹ diện tích gieo trồng lúa ở ĐBSCL. Để chuẩn bị hướng đi ổn định, bền vững cho hạt gạo chất lượng cao ST25, ngoài việc quảng bá thương hiệu gạo ra thị trường thế giới, việc căn cơ là phải làm sao tạo được chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng gạo chất lượng cao. Do vậy, ngay bây giờ, cần đa dạng hóa doanh nghiệp liên kết đầu tư vào nông nghiệp, tạo chuỗi giá trị gia tăng cho hạt gạo bằng nhiều hình thức. Trong đó có việc liên kết với nông dân, nhà khoa học để tạo ra sản phẩm chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã.
Khi có dòng chảy lớn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tư duy đầu ra của hạt gạo không còn đặt hạt gạo trên giá trị nguyên liệu thô, cho dù đó là gạo chất lượng cao, mà là chuỗi giá trị gia tăng đa dạng, phong phú. Lúc ấy hạt gạo chất lượng cao mới có “đất dụng võ”. Không còn rơi vào tình cảnh được mùa mất giá.