Không phải đợi đến khi tờ Nikkei Asia dẫn lại kết quả khảo sát của Công ty QS Supplies (có trụ sở tại Anh) công bố vào cuối tháng 1-2023, theo đó, tình trạng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) ở Hà Nội, TPHCM lần lượt xếp hạng 66-67/69 thành phố du lịch trên toàn thế giới thì vấn nạn NVSCC “vừa thiếu vừa yếu” mới được nêu ra và tìm mọi cách để giải quyết. Nó đã là vấn đề tồn đọng nhiều năm, song do thiếu quỹ đất, thiếu vốn đầu tư, thiếu cả sự quyết liệt, liên tục trong kiểm tra, giám sát vận hành nên dẫn tới hiện trạng bị xếp vào “nhóm cuối bảng” nói trên.
Và cũng không hẳn NVSCC chỉ để phục vụ du khách nên khắc phục sự xuống cấp, nâng cấp NVSCC không phải chỉ nhằm nâng vị trí xếp hạng. Chỉnh trang đô thị, trong đó có việc sửa chữa, xây mới, tăng số lượng NVSCC trên toàn thành phố, nhất là khu vực trung tâm, tập trung lượng người đông là để phục vụ người dân, người lao động, du khách. Nó không còn là việc riêng của ngành du lịch, mà là câu chuyện về văn hóa với sự tôn trọng, hòa nhập, đảm bảo một cách văn minh nhu cầu thiết yếu nhất của con người.
Tinh thần đó đã được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh trong buổi làm việc với lãnh đạo quận 1 vào ngày 19-3 vừa qua. Đặt mình ở vị trí người dân và du khách, ví dụ người lao động đi xe máy rất ngại gửi xe để đi vào nhà vệ sinh của nhà hàng, địa điểm du lịch… bởi có khi phí gửi xe còn cao hơn cả phí đi vệ sinh, ông lưu ý việc phải làm sao để tất cả mọi người đều có cơ hội giải quyết nhu cầu khi cần.
Đặt mình ở vai trò chính quyền, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã gợi mở về lâu dài phải rà soát, kiểm tra tính đồng bộ, khoa học, thực tiễn trên địa bàn. Tính đồng bộ về quy hoạch, trong đó có xét đến các công trình phụ này không; về xây dựng, môi trường, giao thông, văn hóa. Tính khoa học về quy định để cấp phép, mật độ xây dựng đáp ứng với lượng người tham gia lưu thông, sinh hoạt, tiêu chí để kiểm tra, đánh giá, xếp loại. Tính thực tiễn là phải triển khai kép, cho cả hình thức nhà vệ sinh lưu động và cố định, kết hợp giữa vốn ngân sách (đầu tư công) và xã hội hóa, cộng thêm nguồn vận động các hộ kinh doanh, kể cả một số cơ quan nhà nước trú đóng trên địa bàn. Một mặt, tìm nguồn hỗ trợ từ các đơn vị tham gia xã hội hóa để miễn phí cho người dân, du khách giai đoạn 2023-2025; mặt khác tuyên truyền, vận động ý thức tham gia, giữ gìn vệ sinh, môi trường chung, dần hình thành thói quen, nề nếp của người sử dụng.
Thực tế, những vướng mắc trong việc xây dựng, duy tu, đảm bảo hệ thống NVSCC lại không hề nhỏ. Có cái thuộc về cơ chế, vượt khỏi thẩm quyền của thành phố, ví dụ xây nhà vệ sinh tạm thời mà không theo quy hoạch. Có cái thuộc về “lực bất tòng tâm”, đó là quỹ đất công bố trí cho mạng lưới NVSCC ở quận 1 và một số quận trung tâm khác gần như không có, không còn cũng như nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng và nhất là mức phí hợp lý để trả lương nhân công vận hành… Kể cả khi kêu gọi doanh nghiệp tham gia thì cũng phải đáp ứng điều kiện từ phía nhà đầu tư như tính chất, phạm vi, thời gian khai thác dịch vụ, thương mại như thế nào để họ đủ nguồn lực lấy thu bù chi trong lâu dài. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là tạo ra một cơ chế công bằng và công khai các nguồn thu - chi để vừa kiểm soát chất lượng dịch vụ vừa khích lệ các đối tác tham gia, và tránh phát sinh những tiêu cực, hồ nghi không đáng có.
“Chúng ta phải làm thật, làm từ tâm, có trách nhiệm và tạo ra giá trị thật. Quận 1 có hơn 90% là khách vãng lai. Phải bố trí nhà vệ sinh, tuyên truyền, hướng dẫn sao để khi người dân có nhu cầu thì dễ dàng tìm đến”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đặc biệt lưu ý.