Quan trọng hơn là chính sách động viên, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất - kinh doanh và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Những kinh nghiệm này cần được tiếp tục phát huy, để TPHCM tiếp tục thu hút đầu tư và phát triển.
Ông ĐỖ ĐÌNH THIỆN - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân: Hóa giải tranh chấp từ đầu
Quận Bình Tân có 3 khu công nghiệp với khoảng 350.000 công nhân, trong đó Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam với hơn 61.000 lao động. Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn quận xảy ra 156 vụ ngưng việc tập thể, với gần 247.700 người tham gia.
Mấu chốt của việc ngưng việc tập thể phần nhiều là bất đồng về lương, thưởng tết trong khi áp lực công việc cuối năm luôn lớn. Vì vậy, vào dịp trước tết, quận tổ chức nắm tình hình lương, thưởng tết ở các DN, nhất là những DN sử dụng nhiều lao động. Quận cũng làm việc với các DN có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động và kịp thời có giải pháp ngăn chặn tình trạng ngừng việc tập thể. Quận còn vận động DN hỗ trợ cho công nhân ở thời điểm này để tạo động lực và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với công nhân.
Ngoài ra, quận cũng thí điểm xây dựng hồ sơ quan hệ lao động tại các DN có nguy cơ cao về tranh chấp lao động, đình công, nhằm thiết lập công cụ nắm bắt, theo dõi, đánh giá đầy đủ tình hình và có giải pháp kịp thời phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công xảy ra.
Để hạn chế nguy cơ ngừng việc tập thể, quận Bình Tân đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách, pháp luật lao động tới từng DN, các khu công nhân lưu trú. Song song đó, quận tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách lao động ở các DN; yêu cầu DN khai báo về tình hình sử dụng lao động, các thang bảng lương, hồ sơ giải quyết lao động và rà soát những DN hay nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội đưa vào danh sách tăng cường kiểm tra để chấn chỉnh… Bằng nhiều chính sách trên đã tạo chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ pháp luật lao động, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Kết quả là mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động đã được xây dựng hài hòa, số vụ tranh chấp lao động tại quận Bình Tân giảm dần qua các năm.
Ông VÕ CAO SƠN - Phó Bí thư Đảng ủy Các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza): Hiệu quả với mô hình tổ “công nhân nòng cốt”
Địa bàn các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN), khu công nghệ cao của TPHCM là khu vực nhạy cảm, phức tạp và thường xuyên phát sinh các vấn đề tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãn công.
Cùng với đó, ngoài giờ làm việc, công nhân lao động lưu trú tại các khu nhà trọ cũng thường xuyên tiếp xúc với nhiều thành phần và dễ bị ảnh hưởng, tác động. Cũng vì vậy, tình hình đình công, lãn công ở các KCX-KCN, khu công nghệ cao gần đây không liên quan nhiều đến mâu thuẫn trong quan hệ lao động, mà do các thế lực thù địch lôi kéo, kích động công nhân tụ tập, gây mất an ninh trật tự. Xuất phát từ thực tế này, Đảng ủy Hepza lập tổ “công nhân nòng cốt” tại các DN đông lao động, để nắm bắt dư luận trong công nhân. Trên cơ sở đó, các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã chủ động phối hợp và thông tin đến DN để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Lực lượng công nhân nòng cốt cũng tham gia tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp người lao động ổn định tư tưởng và an tâm làm việc.
Ngoài ra, Đảng ủy Hepza cũng chú trọng đến những hoạt động thiết thực chăm lo người lao động, như phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao để nâng cao đời sống tinh thần của người lao động. Cùng với đó là các chương trình bán hàng bình ổn giá cho công nhân, hỗ trợ công nhân, gia đình công nhân hoàn cảnh khó khăn, xây dựng khu lưu trú cho công nhân, nhà giữ trẻ con công nhân, trung tâm sinh hoạt công nhân… từ đó giảm được các vụ ngừng việc tập thể. Điều này đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển TPHCM.
Thượng tá NGUYỄN PHƯỚC THƯỜNG - Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế - Công an TPHCM: Ngăn chặn các đối tượng xấu kích động, lôi kéo
TPHCM có quá trình đô thị hóa nhanh, lượng dân nhập cư lớn làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến an ninh trật tự. Tại các KCX-KCN và khu công nghệ cao, nổi lên là các vụ đình công, lãn công không đúng quy định pháp luật. Nguyên nhân chủ yếu là do tranh chấp quyền lợi giữa công nhân và chủ DN, như yêu cầu tăng tiền lương cơ bản, các khoản phụ cấp khác, yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc… nhằm ổn định cuộc sống. Cộng thêm, sự phát triển của mạng xã hội thời gian qua một mặt tạo cơ hội cho các đối tượng chống đối kêu gọi, kích động công nhân tham gia đình công, lãn công.
Do đó, vai trò, hoạt động của các tổ chức công đoàn, tổ chức đảng trong DN cần tiếp tục được nâng cao để kịp thời nắm bắt tình hình trong công nhân, nhất là những khó khăn, bức xúc, nguyên nhân gây ra các vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc, đình công, lãn công. Trên cơ sở đó chủ động tham mưu, phối hợp các cơ quan liên quan tháo gỡ, giải quyết kịp thời ngay từ đầu và không để các đối tượng xấu lợi dụng, kích động công nhân tham gia, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự.
Mặt khác, vai trò lãnh đạo của cơ sở đảng, các tổ chức công đoàn trong DN có vốn đầu tư nước ngoài phải được phát huy, để thật sự là hạt nhân chính trị trong tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động và kịp thời giải quyết ngay từ đầu các bức xúc của công nhân. Bên cạnh việc củng cố, nâng chất hoạt động tổ chức công đoàn để tổ chức này phát huy được vai trò trong việc bảo vệ, đấu tranh cho quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thì việc quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân cũng cần được thực hiện thường xuyên.
Ông VÕ VĂN HÙNG - Chủ tịch Công đoàn Công ty Hansae Việt Nam: Đối thoại hàng tháng với công nhân
Công ty Hansae 100% vốn Hàn Quốc, với 8.000 lao động, chuyên về lĩnh vực may mặc. Công ty được thành lập và hoạt động tại TPHCM từ năm 2002. Để tạo mối quan hệ hài hòa với người lao động, ban giám đốc công ty xác định công đoàn là cầu nối hữu hiệu giữa công ty và người lao động. Từ sự tin tưởng ấy, công ty đẩy mạnh vai trò của công đoàn cơ sở để làm trung gian, nâng cao thỏa ước ký kết và đối thoại với người lao động trong DN.
Ban giám đốc công ty cũng luôn chú trọng tuân thủ pháp luật lao động, trong đó quan tâm đến thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phối hợp với công đoàn ban hành và thực hiện nghiêm túc quy chế hội nghị người lao động, quy chế thương lượng tập thể hàng năm.
Đặc biệt, công ty tuân thủ quy tắc đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động. Cụ thể, công ty tổ chức đối thoại một lần/tháng (quy định hiện hành buộc đối thoại một lần/quý). Thông qua việc tổ chức đối thoại thường xuyên với đại diện người lao động và tổ chức công đoàn, công ty nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có phương hướng lãnh đạo, điều hành sản xuất cũng như thực hiện các chính sách phù hợp, đáp ứng mong muốn cả 2 bên.
10 năm trước, Công ty Hansae mở rộng hoạt động ở một nước trong ASEAN nhưng đã phải đóng cửa, có nguyên nhân do các tổ chức công đoàn ở đó chỉ quan tâm đến đấu tranh cho người lao động mà không làm cầu nối, tạo mối quan hệ hài hòa trong DN. Do đó, trong việc xem xét thông qua dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), vấn đề này cần được cân nhắc nhằm giữ được mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động.