Điều này đòi hỏi sớm có giải pháp giải tỏa áp lực cho cán bộ, công chức cơ sở, tránh tình trạng xin nghỉ việc ngày càng nhiều.
Phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) hiện có 104.000 dân nhưng chỉ có 29 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách. Như vậy, trung bình 1 công chức của phường Hiệp Bình Chánh phục vụ gần 3.600 người dân. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết, gần đây, vì áp lực công việc quá lớn cùng với một số lý do khác, cùng một lúc 5 công chức của phường xin nghỉ việc, trong đó có Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã. Trong điều kiện công việc quá nhiều, cùng với thực trạng cán bộ nghỉ việc, khiến phường rất khó tuyển dụng, kiện toàn đội ngũ đủ biên chế được giao (là 37 người).
Tương tự, phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) hiện có 96.000 dân thường trú, nếu tính cả số lượng người tạm trú là hơn 100.000 dân, nhưng chỉ có 33 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách. Bà Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Bình Hưng Hòa B, cho biết, sau đợt dịch Covid-19, nhiều cán bộ do quá áp lực nên đã làm đơn xin nghỉ việc, chuyển công tác. Hiện 4 công chức đã nghỉ việc, chuyển công tác theo nguyện vọng. “Lãnh đạo phường phải vận động anh em ở lại hỗ trợ phường. Anh em ở lại vì tình cảm, nhưng về lâu về dài vẫn phải có cơ chế để giảm áp lực cho cán bộ mới giữ chân họ được”, bà Đinh Thị Lụa bày tỏ.
Trong khi đó, sau sáp nhập, phường Võ Thị Sáu (quận 3) có hơn 36.000 dân với 37 cán bộ, công chức. Song, số lượng người dân thực tế phải phục vụ lên tới hơn 100.000 dân, do địa bàn có nhiều cơ quan, doanh nghiệp trú đóng. Điều này tạo ra áp lực rất lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức của phường.
Lãnh đạo các địa phương phân tích, với mặt bằng chung (chưa nói đến đặc thù địa bàn), các phường thuộc khu vực 1 (từ 30.000 dân trở lên) có biên chế đang được cào bằng. Cụ thể, phường có 30.000 dân cũng 37 người, phường đông gấp 3-4 lần số dân ấy, tức hơn 100.000 dân, cũng được biên chế 37 người, gồm cả cán bộ, công chức và người lao động không chuyên trách. Đây là điều không hợp lý. Thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện nguyên tắc “làm hết việc chứ không hết giờ”, nhưng ở khu vực dân cư đông, cán bộ, công chức cố hết sức cũng chỉ làm được tối đa 12 giờ; và dù làm thêm thứ bảy, chủ nhật vẫn không hết việc.
Các địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp tiếp nhận hồ sơ, phản ánh của người dân bằng hình thức trực tuyến, số hóa một số văn bản, tài liệu nhưng cũng chỉ đỡ việc phần nào. Hình thức trực tuyến thuận lợi cho người dân phản ánh, kiến nghị, nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Còn để giải quyết từng sự vụ, vấn đề thì vẫn theo quy trình cũ, cán bộ phải xuống địa bàn, xác minh, làm việc...
Cần bố trí cán bộ phù hợp hơn
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, thực hiện Nghị định 34/2019 của Chính phủ, UBND TPHCM bố trí số lượng cán bộ, công chức cấp phường theo quyết định phân loại đơn vị hành chính. Đối với phường loại 1 tối đa là 23 người, loại 2 tối đa là 21 người, loại 3 tối đa là 19 người. Tại các địa phương bố trí công an chính quy thì giảm 1 người so với quy định. Từ Nghị định 34, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết 06/2020 quy định chế độ, chính sách và số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã được bố trí theo phân loại đơn vị hành chính. Theo đó, phường loại 1 tối đa 14 người, loại 2 tối đa 12 người, loại 3 tối đa 10 người. Qua ghi nhận các kiến nghị của UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện trong triển khai Nghị định 34 cho thấy đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, TPHCM có 42/312 phường, xã, thị trấn có hơn 50.000 người dân và có những phường, xã có số dân hơn 100.000 người. Trong khi đó, số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách theo quy định của Nghị định 34 không thể đáp ứng được yêu cầu về quản lý nhà nước, giải quyết các chế độ an sinh xã hội, phục vụ người dân trên địa bàn. Đội ngũ này đang chịu áp lực rất lớn từ khối lượng công việc ngày càng tăng cao, trong khi số lượng người thực hiện ngày càng giảm.
Bên cạnh đó, đội ngũ hoạt động không chuyên trách tại cơ sở đều đã được đào tạo trình độ từ trung cấp trở lên, được thực hiện áp dụng đánh giá chất lượng công việc như cán bộ, công chức và cường độ làm việc 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần. Nhất là năm 2021, tình hình dịch Covid-19 phức tạp, đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở cũng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch với bộn bề công việc, rủi ro lây nhiễm cao.
Trước những khó khăn nêu trên, UBND TPHCM đã kiến nghị Chính phủ phân cấp cho UBND TPHCM căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu của thực tiễn và ngân sách thành phố, trình HĐND TPHCM quyết định số lượng người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn.
TPHCM đang chờ Chính phủ có ý kiến. Trong khi đó, các địa phương đang như “ngồi trên đống lửa” vì nếu kéo dài tình trạng như lâu nay, cán bộ, công chức cơ sở sẽ không chịu được áp lực công việc và xin nghỉ việc ngày càng nhiều, dẫn đến thiệt thòi nhất vẫn là người dân. “Để đào tạo một cán bộ, công chức có năng lực, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ là rất khó, mất nhiều thời gian. Nếu không có giải pháp kịp thời thì sẽ không thể giữ họ, và việc tuyển lực lượng bổ sung càng khó hơn. Đây cũng là tình trạng chảy máu chất xám ngay trong hệ thống chính trị”, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức Nguyễn Ngọc Tuấn nêu ý kiến.