Dù chưa có cơ sở pháp lý (nghị định về tự chủ) nhưng bằng nỗ lực của mình, nhiều trường “mạo hiểm” thí điểm tự chủ và kết quả mang lại đã minh chứng cho tính đúng đắn từ tinh thần của nghị quyết.
Đột phá từ chủ trương
Chủ trương tạo cơ chế tự chủ tài chính đã được ban hành trong Nghị định 43/2006 của Chính phủ. Tuy nhiên, suốt từ đó đến khi Nghị quyết 77 được ban hành chỉ có 6 trường được chọn thí điểm, như ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân… nhưng cũng không thành công do chưa thật sự “cởi trói”.
Đến năm 2013, Nghị quyết 29/NQ-TW được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua với quyết tâm “đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được xem là quyết sách đột phá để giáo dục nói chung và GDĐH phát triển. Tiếp đó, năm 2014 Nghị quyết 77 được ban hành để “cởi trói” giúp các trường ĐH thực hiện tinh thần Nghị quyết 29. Và Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 ban hành từ tháng 10-2017, chỉ đạo rất rõ về vấn đề tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường ĐH là minh chứng quyết tâm của Chính phủ để tạo điều kiện cho các trường thật sự tự chủ. Như vậy có thể thấy, chủ trương để thực hiện mục tiêu “giáo dục là quốc sách hàng đầu” luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm để giáo dục đại học bứt phá.
Dù không được chỉ định, tuyển chọn, nhưng từ chủ trương đã có 2 trường ĐH công lập đầu tiên của cả nước mạnh dạn thực hiện tự chủ (tự chủ tài chính) và tạo nên bước đột phá khi hoàn toàn tự chủ xây dựng cơ sở vật chất, nội lực khoa học tăng cao, trả lương giảng viên cao và thu hút được các nhà khoa học về nước. Thành công này cũng là cơ sở để các trường tự tin khi thực hiện Nghị quyết 77. PGS-TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), một trong 2 trường công lập hoàn toàn tự chủ tài chính đầu tiên của cả nước, nhớ lại: “Năm 2008, trường bắt đầu vận hành cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 43 của Chính phủ và Thông tư số 71 của Bộ Tài chính. Tự chủ tài chính là một bước tiến thành công trong việc thúc đẩy trường phát triển và đã đạt được những kết quả tích cực, như: tăng thu nhập cho cán bộ giảng viên; hấp dẫn được lực lượng cán bộ trẻ, có tài, trình độ cao được đào tạo từ nước ngoài, đáp ứng yêu cầu của xã hội để thu hút được nhiều sinh viên”.
Cũng là một trường ĐH còn non trẻ so với các trường khác của cả nước, nhưng xuất phát điểm của trường đã hoạt động theo cơ chế tự thu, tự chi, năm 2008 Trường ĐH Tôn Đức Thắng mạnh dạn xin cơ chế hoạt động theo mô hình trường công tự chủ tài chính hoàn toàn. Năm 2015, trường được thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77. Đến nay, trường đã hoàn toàn tự chủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, các nhóm nghiên cứu khoa học… với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Không chỉ thành công với cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và công bố quốc tế hiện nay của trường cũng đạt nhiều kết quả, dẫn đầu của hệ thống…
Chuyển mình mạnh mẽ
Theo đánh giá của nhóm khảo sát do Bộ GD-ĐT chủ trì, mặc dù Nghị quyết 77 được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn 2014 - 2017 (trường có thời gian tự chủ lâu nhất là 31 tháng, trường ít nhất là 3 tháng), các trường đã bước đầu có sự chuyển biến tích cực trong đổi mới cơ chế tổ chức và hoạt động, tạo cú hích đối với sự phát triển của hệ thống GDĐH.
Từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã có sự điều chỉnh cơ cấu nhân lực, theo hướng gia tăng lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên), giảm đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên và nhân viên). Tính đến tháng 7-2017, số lượng giảng viên chiếm 63,12% tổng số lao động của các trường. Tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư và phó giáo sư chiếm 8,4% tổng số giảng viên của các trường ĐH đã tự chủ (con số này là khoảng 6% trong toàn bộ hệ thống GDĐH). Đến nay, có 14/19 trường (chiếm 73,7%) đã thành lập hội đồng trường (HĐT). Tỷ lệ các trường ĐH thí điểm tự chủ có HĐT cao gần gấp đôi so với mức chung của toàn hệ thống (36,2%).
Về cơ cấu chi, đã có sự thay đổi khá lớn, trong đó các khoản chi lớn nhất là chi cho chuyên môn (đầu tư mua sắm, NCKH), chi lương tăng rõ rệt và chiếm đến 90% tổng chi. Chính vì vậy, đời sống giảng viên, người lao động không ngừng được cải thiện, nâng cao. Thu nhập bình quân người lao động của các trường cao hơn 2 lần so với trước thời điểm tự chủ.
Về NCKH, các trường tự chủ đã có bước nhảy vọt về số lượng cũng như chất lượng. Số lượng các công trình được công bố của 19 trường tự chủ tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2013 - 2016, trong đó số lượng các bài viết được công bố trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng nhiều nhất (số lượng năm 2016 gần gấp đôi so với năm 2013, từ 848 bài lên 1.651 bài). Trong đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có số lượng bài báo đăng trên tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng đột biến (năm 2015 chỉ có 156 bài, từ tháng 1-2016 đến nay đã nhảy lên 569 bài) và trong năm 2017 đứng đầu cả nước về công bố khoa học. Bằng sáng chế là một thành tựu NCKH quan trọng, dẫn đầu trong lĩnh vực này là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH duy nhất của Việt Nam có 5 bằng sáng chế do Mỹ cấp, tiếp đó là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, Trường ĐH Điện lực. Số hợp đồng chuyển giao công nghệ tăng gần gấp 3 so với trước khi tự chủ.
Nghị quyết 77/NQ-CP và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao các trường thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, các cơ sở GDĐH công lập được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện trong các lĩnh vực: (1) Thực hiện nhiệm vụ đào tạo và NCKH; (2) Tổ chức bộ máy và nhân sự; (3) Tài chính; (4) Chính sách học bổng và học phí đối với đối tượng chính sách; (5) Đầu tư, mua sắm. |