Ngập do triều - 2 giải pháp trước mắt, 1 lâu dài
TPHCM có nhiều vùng địa hình thấp nên thường xuyên đối diện với tình trạng ngập do triều cường. Hàng tháng, có ít nhất 6 ngày bị ngập, gây khổ sở cho gia đình ở các khu vực ngập, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Đây là vấn đề lớn nhất, phải được quan tâm đặc biệt nhưng không thể nâng cốt nền và nâng đường ở các vùng trũng lên cao vì rất tốn kém. Để xử lý có hiệu quả ngay tức khắc, khá đơn giản bằng cách xây các đập hay cống ngăn không cho nước triều chảy vào cống, tràn lên đường. Khi xây dựng các đập ngăn triều này sẽ xóa bỏ hoàn toàn việc ngập do triều cường. Trước mắt, xây dựng đập ngăn triều tại các cửa kênh rạch chính trong khu vực nội thành cũ và khu đô thị mới có cốt nền thấp.
Có thể dẫn chứng như các đập ngăn triều ở khu vực Bình Triệu, Bình Lợi - Rạch Lăng, Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã giúp giảm ngập do triều rất hiệu quả. Kinh phí xây các đập này không quá nhiều, thực hiện nhanh nên cần tiếp tục xây dựng thêm một số đập nữa tại cửa kênh rạch trong nội thành và khu vực đô thị mới đang xây dựng tập trung. Ở những nơi chưa thể xây dựng ngay đập ngăn triều hoặc cống có cửa xả ra sông, trước mắt cần lắp đặt van ngăn triều tự động để chống ngập. Hiện nay, toàn TPHCM đã có 1.077 van ngăn triều nên cần rà soát lại các nơi bị ngập do triều để lắp đặt thêm cho đủ. Kinh phí lắp đặt các van này không lớn nên giải pháp này có thể làm ngay.
Giải pháp trước mắt xây đập ngăn triều không chỉ chống ngập do triều mà còn góp phần chống ngập do mưa to, nếu chúng ta quản lý vận hành tốt đập ngăn triều. Còn về lâu dài, TPHCM thực hiện giải pháp chống ngập do triều cho toàn địa bàn TP có tính đến nước biển dâng từ hiện tượng biến đổi khí hậu (hay gọi theo dự án 1547). Dự án quy mô này gồm 164km đê bao và 12 đập ngăn triều lớn từ cửa rạch Tra (TPHCM) đến cửa kênh Xáng Lớn (Long An), bao phủ một vùng rộng lớn nằm giữa bờ hữu sông Sài Gòn - Soài Rạp và bờ tả sông Vàm Cỏ Đông với diện tích tự nhiên khoảng 2.110km².
Tuy nhiên, dự án 1547 vẫn không triệt để vì còn một số khu vực nằm cạnh sông đã thiết kế nước mưa xả trực tiếp ra sông (không xả vào kênh, rạch). Do đó, phải kiểm tra kỹ các cửa xả hiện hữu để đưa nước mưa về kênh hoặc đặt van ngăn triều tự động tại các cửa xả để ngăn nước triều trào ngược vào cống gây ngập. Ngoài ra, dự án 1547 có kinh phí rất lớn và thời gian thực hiện kéo dài nên phải được nghiên cứu kỹ hơn; có phân kỳ đầu tư cụ thể tương ứng với từng thời gian (năm 2020, 2030, 2050…) và các thông số kỹ thuật tương ứng với thời gian đó (cốt mức nước triều, cốt đê bao) thích hợp.
8 giải pháp chống ngập do mưa
Tùy từng nguyên nhân khiến mưa gây ngập để có giải pháp thích hợp. Có 8 giải pháp chống ngập do mưa như sau:
1. Xây dựng hệ thống thoát nước hoàn chỉnh.
Do tốc độ phát triển đô thị của TPHCM rất nhanh trong khi cống thoát nước chưa lắp đặt đầy đủ, hoàn chỉnh nên nước mưa không thoát kịp, gây ngập úng.
Trước đây, tổ chức JICA (Nhật Bản) đã lập quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM đến năm 2020, nhưng chủ yếu phục vụ cho vùng nội thành cũ và một phần khu vực phát triển mới. Quy hoạch này chưa đầy đủ, thời hạn quy hoạch sắp hết và số liệu quy hoạch đã lạc hậu.
Vì vậy, TPHCM cần lập và điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể thoát nước chuyên ngành cho toàn TP, cũng như quy hoạch thoát nước cho các vùng khác của TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở thực hiện các dự án thoát nước. TPHCM cũng cần rà soát lại toàn bộ các dự án thoát nước hiện nay, xem có cần điều chỉnh, bổ sung hay không.
2. Cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước cũ để nâng cao năng lực thoát nước.
Hệ thống thoát nước TPHCM được xây dựng từ những năm 1870 và nay đã quá cũ kỹ.Kích thước của cống quá nhỏ, nước không kịp thoát và gây ngập. Vì vậy, TPHCM cần đánh giá hiện trạng, xác định rõ các đoạn cống hư hỏng, kích thước nhỏ… để sửa chữa, thay thế. Cạnh đó, TPHCM cũng cần lập ngay bản đồ hiện trạng hệ thống thoát nước với các thông số kỹ thuật đầy đủ về đường kính, chiều dài, độ dốc từng đoạn cống, độ sâu chôn cống…
3. Chống ngập cục bộ.
Các điểm ngập cục bộ do địa hình tự nhiên đột ngột trũng xuống thì có thể tôn nền cục bộ đoạn đường trũng bị ngập hoặc dùng bơm di động công suất lớn đưa nước mưa ra kênh, sông theo con đường ngắn nhất.
4. Làm tốt công tác thiết kế, tính toán đúng, đủ cho trước mắt và tương lai.
Trong đó, phải tính toán thủy lực đầy đủ cho hệ thống thoát nước; đặc biệt lưu ý đến độ dốc cống, tốc độ nước chảy trong cống. Điều này rất quan trọng vì liên quan đến khả năng thoát nước của cống.
5. Hạn chế dòng chảy trên mặt, xây dựng hồ “giam” nước mưa.
Đây là giải pháp bổ trợ chống ngập có thể thực hiện bằng cách chống bê tông hóa đường phố, phủ xanh vỉa hè; xây bể chứa trong nhà để trữ nước mưa dùng cho sinh hoạt, giảm lượng nước mưa đổ vào cống. Xây các hồ điều tiết tại vùng trũng ở ngoại vi thành phố để trữ nước khi mưa và xả nước từ hồ ra kênh rạch khi hết mưa. Tăng tỷ lệ diện tích cây xanh, mặt nước trong các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị từ 20% - 30% đất xây dựng.
6. Cải tiến, tăng cường công tác quản lý hệ thống thoát nước.
Công tác quản lý hệ thống thoát nước có vai trò không nhỏ trong việc chống ngập nên không được để rác bít cửa thu nước mưa dọc các tuyến đường. Các hố thu gom nước mưa hiện nay cần được thay bằng loại hố ga mới đã nghiên cứu, để vừa tránh đọng rác làm tắc cống vừa tránh mùi hôi. Thực hiện cơ giới hóa thu gom bùn rác tại các hố ga và nạo vét bùn trong lòng cống, như dùng máy bơm hút bùn lỏng ở hố ga, dùng ro bot để phát hiện cống hư hỏng…
7. Giải tỏa nhà ổ chuột, nạo vét bùn lắng và vớt rác, lục bình trên kênh rạch để khơi thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
8. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, giáo dục cộng đồng và xử lý nghiêm minh các vi phạm về chống ngập theo pháp luật.
Tham gia vào công tác xả lũ
Các nguyên nhân gây ngập chủ yếu ở TPHCM hiện nay:
- Ngập do triều cường.
- Ngập do mưa vượt quá khả năng thoát nước của hệ thống cống.
- Ngập do xả lũ từ hồ và càng nguy hiểm khi xảy ra đồng thời với mưa to và triều cường.
- Ngập do phát triển đô thị nhưng hệ thống thoát nước chưa đồng bộ (nguyên nhân này có lý do vì thiết kế tính toán sai hoặc chỉ tính trong giai đoạn trước mắt; do cống đã cũ, hư hỏng, không kịp thời sửa chữa).
- Ngập do quản lý không tốt để xảy ra lấn chiếm, san lấp kênh rạch; rác thải bừa bải ra kênh rạch; rác, bùn, cát đọng ở miệng thu nước nhưng không kịp thời khắc phục…
Bên cạnh việc chống ngập do mưa và triều cường gây ra, cũng lưu ý chống ngập do các hồ chứa trên thượng nguồn xả xuống gặp lúc TPHCM đang có mưa to và triều cường. Giải pháp cần thực hiện là xây dựng và ban hành định chế nghiêm cấm các hồ chứa thủy điện xả nước khi vùng hạ du có mưa to và triều cường. Nếu để việc này xảy ra, cơ quan quản lý hồ chứa phải bồi thường thiệt hại, thậm chí chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan quản lý hồ chứa thủy điện phải xây dựng quy trình vận hành phù hợp, có lịch xả lũ được nghiên cứu và báo trước cho vùng hạ du. Việc này nhằm giải quyết thỏa đáng giữa lợi ích phát điện, chống ngập cũng như chống nhiễm mặn cho các nguồn cấp nước của TPHCM. Vì thế, các cơ quan khí tượng thủy văn, công ty cấp nước và thoát nước của TPHCM phải được tham gia, thỏa thuận và hiệp đồng về công tác xả lũ.