Thế nhưng, lượng xe tăng cao đã khiến quốc lộ 51, tuyến đường huyết mạch nối tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với Đồng Nai, TPHCM ngày càng quá tải và thời gian gần đây, tình trạng kẹt xe ngày càng trở nên trầm trọng.
Theo một tài xế của một hãng xe chạy tuyến Vũng Tàu - Bến xe miền Tây cho biết, cách đây 5-6 năm, nhờ có tuyến cao tốc nên thời gian di chuyển chỉ mất chừng 2-2,5 giờ. Khi đó, các doanh nghiệp đua nhau mua xe, mở hãng để khai thác và cho ra đời các tuyến xe cao cấp phục vụ đưa đón khách tại nhà, sân bay mà không phải đi xe trung chuyển. Nhưng 3 năm trở lại đây, nhu cầu du lịch bằng phương tiện cá nhân cũng như lượng xe vận tải hàng hóa đường bộ ngày càng tăng khiến quốc lộ 51 bị kẹt xe nghiêm trọng.
Số liệu thống kê của Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, lưu lượng xe trên tuyến quốc lộ 51 đoạn qua địa bàn hiện đã lên đến 50.000 lượt xe/ngày đêm, gấp 4 lần so với thiết kế và đang có xu hướng tăng khoảng 10% mỗi năm. Cùng với đó là toàn bộ nút giao trên quốc lộ 51 thuộc địa bàn thị xã Phú Mỹ là nút giao cùng mức, điều khiển bằng đèn tín hiệu giao thông với 3 pha đèn (gồm đèn rẽ trái), thời gian chờ qua nút khá dài. Từ đó dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên, nhất là giờ cao điểm; đặc biệt là dịp cuối tuần, ngày lễ, tết. Tỉnh cũng thừa nhận, tình hình tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 51 đoạn qua địa bàn có xu hướng tăng về số vụ nghiêm trọng và số người chết.
Còn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ngã ba Nhơn Trạch cũng là một điểm đen về ùn tắc giao thông trong nhiều năm gần đây. Trước thực trạng trên, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được xem là lời giải cho bài toán về ùn tắc, kẹt xe trên quốc lộ 51; tuy nhiên cũng phải mất 3-4 năm, thậm chí có thể kéo dài. Một phương án khác là xây dựng các nút giao khác mức trên quốc lộ nhưng dường như phương án này không mấy khả thi bởi không thể thực hiện một sớm một chiều; chưa kể đến việc đầu tư sẽ làm đội vốn dự án, kéo dài thêm thời gian thu phí.
Theo các chuyên gia giao thông, để tránh rơi vào tình trạng như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hiện tại, ngay lúc này cần nghiên cứu, triển khai xây dựng tuyến đường sắt kết nối từ hệ thống đường sắt quốc gia đến các cảng, khu công nghiệp nhằm giải tỏa áp lực hàng hóa lên tuyến đường bộ, nếu không điểm nghẽn mới sẽ tiếp tục xuất hiện.