Nhiều ý kiến cho rằng, để tiết kiệm năng lượng cho các công trình tòa nhà, quá trình thực hiện phải tổng hòa từ khâu thiết kế, thi công xây dựng và sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại.
Tòa nhà sử dụng vật liệu xây dựng xanh giúp giảm khí thải nhà kính. Ảnh: HUY ANH
Tiêu thụ từ 35% - 40% tổng năng lượng Theo Bộ Xây dựng, cùng với tốc độ phát triển chung của toàn xã hội, số lượng các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, tổ hợp văn phòng, khách sạn… tại các khu đô thị cũng mọc lên càng nhiều. Đây có thể xem là biểu hiện tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng thực tế là có tới 90% công trình, tòa nhà cao tầng ở Việt Nam không tích hợp yếu tố sử dụng năng lượng hiệu quả vào khâu thiết kế cơ bản và vận hành công trình. Đây là sự lãng phí rất lớn khi nước ta đang có tốc độ tăng trưởng xây dựng cao, tổng diện tích sàn của các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tăng trưởng với tốc độ 6% - 7%/năm. Khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, cơ cấu sử dụng năng lượng của một tòa nhà bao gồm năng lượng tiêu tốn cho hệ thống điều hòa không khí chiếm 40% - 60%, hệ thống chiếu sáng chiếm khoảng 15% - 20%, các thiết bị văn phòng chiếm 10% - 15%, phần còn lại dành cho các thiết bị phụ trợ khác… Trong tổng tiêu dùng năng lượng tại Việt Nam, các tòa nhà cao tầng tiêu thụ từ 35% - 40%. Do vậy, nếu tiết kiệm được năng lượng từ khu vực này thì tổng lượng điện năng tiết kiệm được cho toàn xã hội sẽ rất lớn. Ông Kazuhiro Matsushita, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, cho biết dưới tác động của quá trình biến đổi khí hậu, các đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng. Nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu do giao thông, xây dựng và sinh hoạt hàng ngày thải ra môi trường. Trong đó, chất lượng không khí trong tòa nhà là mối quan tâm hàng đầu đối với người sử dụng, các chuyên gia, nhà đầu tư, xây dựng và tư vấn. Trong các hệ thống tiêu thụ năng lượng nói trên, hệ thống điều hòa không khí và các thiết bị phụ trợ (máy lạnh, bơm nước lạnh, quạt gió) tiêu tốn điện năng nhiều nhất, ai cũng thấy rõ. Hiện nay thường gặp các vấn đề, rất nhiều thiết bị điều hòa không khí đang được sử dụng có công nghệ cũ, hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều điện năng. Hệ thống đường ống dẫn nước lạnh, dẫn gió chưa được bảo ôn đúng cách, dẫn tới sự tổn hao nhiệt năng lớn trên đường ống. Trong quá trình sử dụng, một số yếu tố chưa được chú trọng đúng mức như chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài không gian điều hòa, bố trí phòng lạnh tiếp xúc trực tiếp với bức xạ mặt trời. Vì vậy, việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như sử dụng thiết bị, sản phẩm công nghệ thân thiện môi trường cho các công trình hiện nay đang là vấn đề cấp bách với Việt Nam. Đồng bộ nhiều giải pháp Nhiều chuyên gia cho rằng, để thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng tối ưu trong các tòa nhà cao tầng không chỉ dựa vào các yếu tố kỹ thuật, thiết bị, sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn phải dựa vào các yếu tố tự nhiên trong xây dựng, như khoảng không gian xanh để lấy ánh sáng và không khí từ thiên nhiên. Ngoài ra, giải pháp đơn giản nhất là tắt các thiết bị sử dụng năng lượng khi không cần thiết, nhưng vẫn đảm bảo công việc vận hành tốt. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phân tích, các tòa nhà hiện đại gần đây được thiết kế không theo điều kiện khí hậu của Việt Nam. Cụ thể như sử dụng nhiều kính tường (nhiều công trình lắp 100% kính tường), các cửa sổ không mở được... nên hệ thống điều hòa không khí tiêu thụ khá nhiều năng lượng. Do vậy, đối với công trình xây dựng mới cần tuân thủ Quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD và vận hành công trình hiệu quả sẽ có khả năng làm giảm tổng mức tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà từ 14% - 36%. Trong đó, việc thiết kế mang tính hiện đại (có cửa sổ mở, lấy ánh sáng tốt, sử dụng chất liệu cách nhiệt) cũng giúp giảm tối đa nhu cầu tiết kiệm năng lượng. Trao đổi với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Nguyễn Công Thịnh, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), cho biết hiện nay trong các loại hình kinh tế ở Việt Nam, ngành công nghiệp và xây dựng sử dụng năng lượng nhiều nhất. Kinh tế ngày càng phát triển thì nhu cầu tiêu thụ điện năng cũng tăng cao. Điều này làm ảnh hưởng nhất định đến khả năng cung cấp năng lượng. Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay đó là đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh việc tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, thì việc tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt; đặc biệt trong các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn sẽ có tác động trực tiếp đến việc giảm áp lực cho hệ thống cung cấp năng lượng. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tòa nhà không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho riêng doanh nghiệp mà còn giảm thiểu việc tiêu thụ năng lượng cho xã hội. Để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Ví dụ như cơ chế chính sách cần có những ưu đãi cụ thể, lâu dài về vốn, thuế, tiền thuê đất đối với các nhà sản xuất và từng loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu không nung; công bố và ban hành các tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công, nghiệm thu. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu tiêu hao, tiêu tốn ít tài nguyên. Bên cạnh đó, với những yêu cầu cấp thiết về tiết kiệm năng lượng như hiện nay, đội ngũ tư vấn thiết kế nên tự cập nhật những kiến thức về các công trình xanh để áp dụng.