Giải pháp căn cơ quản lý vỉa hè, lòng đường - Thu phí hợp lý, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm

TPHCM cần công nhận kinh tế vỉa hè để có chính sách quản lý, thu phí hợp lý, đảm bảo mỹ quan đô thị, kiểm soát được an toàn thực phẩm, cũng như góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội.

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và tác động của suy thoái kinh tế, nhu cầu sử dụng tạm một phần vỉa hè để mưu sinh của một số người dân càng gia tăng. Các chuyên gia cho rằng, TPHCM cần công nhận kinh tế vỉa hè để có chính sách quản lý, thu phí hợp lý, đảm bảo mỹ quan đô thị, kiểm soát được an toàn thực phẩm, cũng như góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội.

Người dân mưu sinh trên phố đi bộ Bùi Viện, quận 1, TPHCM

Người dân mưu sinh trên phố đi bộ Bùi Viện, quận 1, TPHCM

Cứu cánh của người nghèo

Sau thời gian dài chống chọi với dịch Covid-19, kinh tế gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Nga (phường Đa Kao, quận 1) vốn đã eo hẹp càng khó khăn hơn. Đang lo lắng không biết làm gì để kiếm tiền lo cho con gái đang học cấp 2, bà Nga được UBND phường Đa Kao sắp xếp cho đặt chiếc xe bán nước giải khát trên vỉa hè để mưu sinh. “Đây thật sự là cứu cánh của hai mẹ con. Nếu không có chỗ bán nước này, tôi không biết làm gì để lo cho con ăn học”, bà Nga chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch, nhiều người dân từ các địa phương tìm đến TPHCM mưu sinh trên vỉa hè. Ngồi bán bánh ướt trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng (quận 1), bà Phan Thị Lan (quê Quảng Ngãi) luôn trong tình thế sẵn sàng quảy gánh đứng dậy nếu thấy bóng dáng lực lượng chức năng. Bà cho biết, do hoàn cảnh quá khó khăn, vốn làm ăn không có nên bà chỉ biết bám víu vào vỉa hè tìm kế sinh nhai, nuôi con ăn học, để sau này con cái có công việc ổn định, thoát nghèo.

Không riêng bà Nga, bà Lan, mưu sinh trên vỉa hè đang là cứu cánh của không ít người dân ở TPHCM, đặc biệt sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc quản lý vỉa hè hiện nay vẫn chưa có những quy định rõ ràng, gây lúng túng cho các địa phương trong thực hiện. Theo các chuyên gia, hàng rong nói riêng, kinh tế vỉa hè nói chung, là thành phần không thể thiếu của đô thị lớn, đặc biệt như TPHCM. Ngoài yếu tố văn hóa, đây còn là nơi lưu thông hàng hóa, đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố. Do vậy, cần phải chính sách phù hợp, từ đó thực hiện quy hoạch không gian để phát triển kinh tế vỉa hè.

Theo TS Nguyễn Văn Đáng, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngoài công năng dành cho giao thông thì vỉa hè trở thành nơi mưu sinh của một bộ phận người dân yếu thế, nhất là sau đại dịch. Ở nền kinh tế đang phát triển, nhiều người lao động chưa qua đào tạo, người lớn tuổi không thể tìm được việc làm cố định. Cùng với đó là thói quen mua sắm tiện lợi của người dân đô thị đã hình thành bệ đỡ vững chắc cho kinh tế vỉa hè. Điều đó đòi hỏi có chính sách mềm dẻo, linh hoạt trong quản lý, quy hoạch, công bố các tuyến đường được phép và không được phép sử dụng vỉa hè. “Việc bố trí, sắp xếp hợp lý và quản lý chặt chẽ sẽ đảm bảo được nguồn sống của nhóm người yếu thế cũng như đảm bảo văn minh đô thị”, TS Nguyễn Văn Đáng khẳng định.

Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - Đồ họa: UYÊN LÊ

Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - Đồ họa: UYÊN LÊ

Chuyển hàng rong di động sang cố định

Có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề quản lý vỉa hè trong nước và quốc tế, Th.S Nguyễn Mai Anh (chuyên gia về đô thị) cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore… đã công nhận sự tồn tại của hàng rong như một phần của nền kinh tế để quy hoạch phát triển. Chính sách này tạo được công việc cho người dân địa phương và đóng góp rất lớn cho phát triển du lịch.

Đơn cử, tại các đô thị tập trung đông dân cư ở Singapore đã hình thành phố ẩm thực, phố đi bộ dành cho mua sắm để giải quyết nhu cầu sinh kế người dân địa phương và đáp ứng nhu cầu của du khách. Hàng rong dọc đường phố và các hẻm trở thành quang cảnh quen thuộc của Singapore, đặc biệt là ở khu vực sông Singapore và khu Chinatown. Tương tự, tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) từng có một thời gian bắt buộc hàng rong phải di dời khỏi đường phố vào các chợ. Tuy nhiên, sau đó chính quyền phải thay đổi chính sách, quy hoạch các khu vực và cấp phép cho người bán hàng rong. Để được hoạt động, những người bán hàng rong đã đăng ký và phải nộp một khoản phí hàng tháng để làm sạch, bảo trì các đường phố (300 baht/m²/tháng, tương đương khoảng 200.000 đồng/m²/tháng).

Còn tại Ấn Độ, những tuyến đường có vỉa hè lớn được chia không gian dành cho bán hàng rong, vỉa hè cho người đi bộ và phần đường. Với vỉa hè có chiều rộng tối thiểu 4m sẽ được bố trí 1 hàng rong (rộng khoảng 2m), vỉa hè 8m được 2 hàng; phần còn lại dành cho người đi bộ và người dừng xe tạm thời để mua hàng.

Th.S Nguyễn Mai Anh nhận xét, TPHCM có thể tham khảo kinh nghiệm từ các nước, bố trí hàng rong tại một số khu vực theo giải pháp chia sẻ không gian, đặc biệt tại các khu vực tập trung nhiều hàng rong như chợ, trường học, bệnh viện. Những tuyến đường có vỉa hè rộng có thể sắp xếp hoạt động hàng rong sau khi phân định rõ không gian cho người đi bộ. Tại những khu vực sử dụng tạm vỉa hè thì thu phí để bù đắp một phần chi phí quản lý và nâng cấp vỉa hè.

TPHCM cũng cần nghiên cứu khả năng chuyển đổi từ hàng rong di động sang hàng rong cố định để thuận lợi trong quản lý và đảm bảo mỹ quan đô thị. Để làm được điều này, trước hết, thành phố cần quy hoạch tốt các không gian hoạt động cho người bán hàng rong. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ người bán hàng rong cải thiện phương tiện bán hàng, giúp họ duy trì hoạt động.

TS Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) tính toán, TPHCM hiện có khoảng 3.600km đường giao thông, ước có khoảng 21,6 triệu m² diện tích vỉa hè. Nếu chỉ sử dụng 30% diện tích vỉa hè, tức gần 6,5 triệu m², và thu phí 50.000 đồng/m²/tháng, thì TPHCM sẽ thu được hơn 3.200 tỷ đồng/năm (ước lượng thu trong 10 tháng). Với khoản thu lớn như vậy, TS Dư Phước Tân cho rằng, việc thành lập công ty hoặc trung tâm quản lý và khai thác quỹ vỉa hè đô thị là cần thiết. Ngoài việc quản lý, thu phí, đơn vị này còn có trách nhiệm thuê các chuyên gia nghiên cứu phát triển kinh doanh vỉa hè theo kinh nghiệm thế giới, để làm tăng thêm vẻ mỹ quan cho thành phố.

Cách đây hơn 10 năm TPHCM đã có chủ trương khuyến khích xã hội hóa đầu tư bãi đậu xe ngầm và cao tầng. Trên tinh thần này, nhiều doanh nghiệp đã xin đầu tư các bãi đậu xe ngầm ở dưới công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng… Tuy nhiên, cho đến nay, chưa một bãi đậu xe ngầm nào được xây dựng. Hầu hết ô tô trên địa bàn TPHCM đều lưu đậu ở lòng đường. Tình trạng này đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến giao thông thành phố.

Hiện nay, hầu hết các tuyến đường trong khu vực trung tâm đã trở thành nơi đậu xe ô tô. Chẳng hạn, đường Tú Xương, Nguyễn Thị Diệu (quận 3) vốn dĩ rất hẹp nhưng trong nhiều thời điểm, từ đầu đường đến cuối đường đã trở thành nơi đậu xe, gần như không còn đường cho các loại xe khác lưu thông.

Đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3) dài khoảng 1km, rộng khoảng 6-7m tùy đoạn, nên chỉ cần có một ô tô dừng, đậu lại trong vài phút là con đường lập tức sẽ ùn ứ. Cách đó không xa, đường Thi Sách, Tôn Thất Hiệp, Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế (quận 1) có bề ngang cũng rất hẹp nhưng có nhiều cửa hàng kinh doanh ẩm thực, khách sạn… nên có lưu lượng xe ra vào rất lớn. Do vậy, chỉ cần hai hướng đều có ô tô lưu thông là con đường sẽ ùn ứ, chưa nói đến có xe dừng, đậu.

Đường Nguyễn Văn Cừ đoạn từ Nguyễn Trãi đến vòng xoay Lý Thái Tổ có biển cấm dừng và cấm đậu xe theo giờ cao điểm. Tuy nhiên, ghi nhận tuyến đường này luôn có xe khách, xe taxi, xe công nghệ… đậu kín hết làn đường xe gắn máy bất kể thời gian cấm. Đường Nguyễn Văn Cừ khá rộng nên việc dừng, đậu này không ảnh hưởng nhiều tới việc lưu thông của các xe khác nhưng cũng làm cho giao thông trong khu vực thường xuyên rơi vào tình huống lộn xộn.

Tin cùng chuyên mục