Báo SGGP giới thiệu một số ý kiến liên quan đến nội dung này.
* PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội: Công nhận, quy hoạch để quản lý tốt hơn
Kinh tế vỉa hè là một đặc trưng, đóng góp rất lớn cho kinh tế TPHCM. Song, kinh tế vỉa hè chưa được công nhận, dẫn đến việc quản lý vỉa hè còn máy móc, thiếu nhất quán.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp, hàng triệu người dân nhập cư phải rời TPHCM. Thế nhưng, sau khi TPHCM đi vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, họ lập tức khăn gói trở lại thành phố để mưu sinh. Điều này cho thấy mua bán trên vỉa hè là nhu cầu thiết yếu của rất nhiều người và tạo nên nét đặc trưng của TPHCM với những dịch vụ linh hoạt, cởi mở và bao dung.
Những gánh hàng rong, các khu ẩm thực đường phố ở TPHCM đã trở thành nét văn hóa đặc trưng. Những người buôn bán hàng rong trên vỉa hè được xem là làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển của thành phố. Họ có vai trò điều tiết giá cả, cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm đồ ăn, thức uống cho một số lớn người dân thành phố như học sinh, sinh viên, công nhân lao động, nhân viên văn phòng.
Họ còn đóng vai trò là những “đại sứ” quảng bá ẩm thực Việt, cầu nối thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế thành phố. Ví dụ, một du khách yêu thích ẩm thực đường phố đến TPHCM chỉ mua món hàng rong với giá khoảng 10.000 đồng, nhưng họ lại chi hàng chục triệu đồng cho các dịch vụ khác như mua sắm, giải trí… Điều này tiếp tục khẳng định kinh tế vỉa hè là một đặc trưng và đóng góp rất lớn cho kinh tế TPHCM.
Tuy vậy, kinh tế vỉa hè hiện nay vẫn chưa được công nhận, dẫn đến việc quản lý vỉa hè ở một số địa phương còn máy móc, thiếu nhất quán. Có những nơi tổ chức các đợt ra quân xử lý vỉa hè nhưng không mang lại hiệu quả. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng vỉa hè để buôn bán của một bộ phận người dân là rất lớn. Cho nên để được hoạt động, họ phải nộp các khoản “phí” không chính thức cho những người quản lý vỉa hè. Từ đó đã đặt ra vấn đề về hiện tượng “bảo kê” hoặc buông lỏng quản lý, và vô hình trung tạo nên một thói quen tiêu cực của những người làm công tác quản lý trật tự đô thị.
Do đó, cần phải công nhận loại hình kinh doanh này để xóa bỏ những định kiến đối với người bán hàng rong. Họ cần được nhìn nhận công bằng hơn. Họ không hề “ăn bám” hay gây mất mỹ quan đô thị, mà đang đóng góp rất lớn cả vật chất lẫn tinh thần cho sự phát triển của thành phố.
Khi đã công nhận, TPHCM cần phải quy hoạch, không cho người bán hàng rong sử dụng tràn lan vỉa hè và có bộ phận quản lý, thu phí một cách hợp lý, công khai, minh bạch. Khi có những khu vực được quy hoạch rõ ràng, người dân sẵn sàng nộp một khoản phí ở mức hợp lý với thu nhập để được hoạt động ở đó. Điều này tạo sự công bằng cho những người buôn bán hàng rong có hoàn cảnh khác nhau và loại bỏ nạn nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ quản lý vỉa hè. Nếu thu phí ở mức vừa phải, phù hợp với thu nhập, công khai, minh bạch thì người dân sẵn sàng đóng góp để nộp vào ngân sách nhà nước, thay vì phải nộp các khoản “phí” không rõ ràng. Và khi đã đóng phí, người dân sẽ tự tin hơn trong buôn bán để xây dựng kinh tế gia đình. Làm như thế cũng khẳng định quan điểm của thành phố là sẵn sàng đón nhận, bao bọc bất cứ ai muốn gắn bó với thành phố.
Vỉa hè quận 3, TPHCM được kẻ vạch để người dân sử dụng tạm |
* Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM TRẦN KIM YẾN: Cần sự cộng hưởng từ hai phía
TPHCM và các địa phương luôn mong muốn đảm bảo được cuộc sống người dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; nhưng cũng không chấp nhận tình trạng vỉa hè, lòng lề đường không đảm bảo trật tự hoặc lộn xộn, mất mỹ quan. Cho nên việc sắp xếp cho đường phố thông thoáng và đảm bảo đời sống của nhân dân là rất quan trọng.
Với thành phố lớn như TPHCM, bộ mặt đô thị rất quan trọng, áp dụng bất kỳ chủ trương, chính sách gì cũng cần phải có sự hài hòa. Nếu chỉ nghiêng về một phía nào đó thì sẽ không tạo được sự đồng thuận xã hội. Do đó, khi thành phố có chủ trương chung thì mỗi quận, huyện, phường, xã phải sắp xếp, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích chung và nhu cầu mưu sinh của người dân. Ví dụ, một tuyến đường lớn, có nhiều di tích, thắng cảnh, cần có vỉa hè rộng để vừa là cảnh quan, vừa có không gian cho du khách đi bộ thì phải sắp xếp nơi để xe, dành lối đi bộ cho du khách. Còn những tuyến đường nhánh, đường hẻm thì có thể sắp xếp để người dân buôn bán có trật tự.
Để việc sắp xếp sử dụng tạm một phần vỉa hè mang lại lợi ích cho người dân, đảm bảo lợi ích chung thì cần sự cộng hưởng của cả hai bên - chính quyền địa phương và người dân. Nghĩa là các địa phương sắp xếp một cách hợp lý, rõ ràng, và người dân (cả người bán và người mua) cần đồng hành hưởng ứng, mua bán đúng nơi quy định. Còn nếu lúc có cơ quan chức năng mới trật tự, khi cơ quan chức năng rời đi lại lộn xộn thì lúc đó chính quyền và người dân lại rơi vào cảnh “đuổi bắt nhau”, như vậy rất khó thực hiện.
* Phó Chủ tịch HĐND TPHCM NGUYỄN VĂN DŨNG: Giải quyết nhu cầu của người khó khăn
Việc sử dụng tạm thời vỉa hè để giải quyết một phần nhu cầu của người dân đã trở thành một nét văn hóa của TPHCM. Lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến đời sống của người dân và luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho những hoàn cảnh khó khăn mưu sinh trên vỉa hè. Thời gian qua, một số địa phương như các quận 1, 10, Tân Bình… đã triển khai thí điểm sắp xếp sử dụng tạm thời một phần vỉa hè cho người dân nghèo khó mưu sinh. Một số nơi khác đã nghiên cứu quản lý vỉa hè một cách linh hoạt bằng kẻ vạch phân định khu vực nào dành cho người đi bộ, khu vực nào người dân có thể sử dụng tạm, đã mang lại hiệu quả nhất định.
Luật Phí và lệ phí cũng đã quy định về phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè do HĐND cấp tỉnh quy định. Ở một đô thị mà vỉa hè là nơi giải quyết được nhu cầu nào đó của người dân có hoàn cảnh khó khăn thì nên nghiên cứu, tính toán cho phù hợp. Nếu thỏa điều kiện sắp xếp được ngăn nắp, trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và không quá ảnh hưởng đến người đi bộ trên vỉa hè thì nên có hướng sắp xếp. Để việc sử dụng tạm một phần vỉa hè phục vụ mưu sinh thành chủ trương chung thì chính quyền nên có nghiên cứu, lập đề án trình để HĐND thành phố thẩm tra, xem xét thông qua.
* Ông PHAN THẾ HUY, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3: Giúp nâng cao ý thức tự giác
Từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, TPHCM bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế thì số lượng người bán hàng rong ở quận 3 tăng mạnh. So với thời điểm trước dịch bệnh, số người có nhu cầu sử dụng vỉa hè để kinh doanh, mua bán tăng 20%-30%, trong đó đa số là người từ các địa phương khác đến. Trước thực tế trên, UBND quận 3 đã triển khai kế hoạch sắp xếp cho người dân sử dụng tạm một phần vỉa hè để kinh doanh, mua bán.
Theo đó, tùy tình hình thực tế ở địa phương, UBND 12 phường sẽ xây dựng phương án, đề xuất các tuyến đường có vỉa hè đủ rộng để kẻ vạch cho người dân sử dụng tạm một phần, nhưng vẫn đảm bảo không gian cho người đi bộ. Thời gian đầu triển khai gặp khá nhiều khó khăn nhưng đến nay, các hộ dân đã tự giác sắp xếp vị trí mua bán gọn gàng, vì vậy tình hình trật tự vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn quận 3 có chuyển biến rất tốt. Việc cho phép sử dụng tạm một phần vỉa hè giúp người dân khó khăn được cải thiện thu nhập, cũng như nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự đô thị. Hiện nay, quận 3 đang xây dựng đề án thành lập một số khu chợ đêm, phố ẩm thực để thu hút khách du lịch, tạo sinh kế cho người dân.