- PHÓNG VIÊN: Bộ trưởng đánh giá thế nào về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay?
* Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: So với cùng kỳ năm trước, vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm nay tăng 10,1%.
Tỷ lệ đó chưa đạt kỳ vọng, và là lý do Thủ tướng phải thành lập 6 tổ công tác để đi kiểm tra, đốc thúc. Tuy nhiên, để đánh giá có chậm hay không thì cần nhìn nhận toàn diện và trong cả một giai đoạn. Tỷ lệ giải ngân thường tăng dần vào cuối năm, bởi các nhà thầu cũng cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán. Vì thế, giải ngân thấp ở các tháng đầu năm cũng chưa khẳng định được tỷ lệ giải ngân cả năm là sẽ thấp. Thực tế các năm 2020-2021 vừa qua đã cho thấy điều này.
- Theo Bộ trưởng, những yếu tố nào ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân năm nay?
* Có những nguyên nhân mang tính hệ thống, tồn tại trong nhiều năm, như giải phóng mặt bằng chậm; năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu còn hạn chế; công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, triệt để… Nhưng năm 2022 lại có những nguyên nhân rất đặc thù, như dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án; đầu năm, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá. Bên cạnh đó, 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7-2021, nên đầu năm nay chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp. Các dự án mới thường mất khoảng 6-8 tháng làm các công việc hoàn thiện thủ tục, chuẩn bị đầu tư, nên phải tới cuối năm mới giải ngân được.
Đặc biệt, vẫn còn tình trạng chọn dự án chưa thực sự cấp thiết, chưa có tầm nhìn trung và dài hạn, trong khi nguồn lực có hạn. Một số các bộ, ngành, địa phương chưa chuẩn bị đầu tư từ sớm, từ xa, chưa quan tâm đến việc sử dụng kinh phí của kỳ kế hoạch này để chuẩn bị cho dự án của kỳ kế hoạch sau, không có sự đồng bộ giữa tiến độ chuẩn bị dự án với tiến độ giao kế hoạch chi tiết. Do vậy đã dẫn tới tình trạng Trung ương đã giao kế hoạch nhưng bộ, ngành, địa phương không giao được kế hoạch chi tiết.
- Có địa phương phản ánh rằng, một số quy định của Luật Đầu tư công đang làm khó họ. Bộ trưởng có bình luận gì?
* Thời gian qua, chúng ta có những đổi mới rất quan trọng, căn bản theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, từ xác định mục tiêu phát triển gắn với xác định và lựa chọn dự án, lập dự án, chuẩn bị đầu tư, thẩm định và phê duyệt dự án, giao kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch vốn, đấu thầu, thanh toán, quyết toán dự án… Cơ bản là đã phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương được toàn quyền quyết định tất cả các khâu, các giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư công.
Trước đây, các bộ, ngành, địa phương vẫn nói về chuyện giao vốn chậm, giao vốn nhiều lần, rồi điều chuyển kế hoạch vốn hàng năm lâu, khó khăn. Nhưng hiện nay đã giao hết, giao một lần vào cuối năm trước. Tôi cho rằng, chậm giải ngân vốn đầu tư công có nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
- Vậy là thể chế không có gì vướng?
* Cũng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định, dù thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực tháo gỡ rất nhiều. Nhưng, nếu nói là do Luật Đầu tư công thì không hẳn. Một dự án đầu tư công phải chấp hành không chỉ quy định của Luật Đầu tư công, mà còn phải chịu sự điều chỉnh của các luật liên quan khác như: Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các luật chuyên ngành khác; thậm chí, cả các điều ước, cam kết quốc tế. Các quy định này chi phối suốt vòng đời dự án, từ chuẩn bị đầu tư cho đến thực hiện, quyết toán. Điều khó là không thể thực hiện đồng thời mà phải tuần tự, xong khâu này mới đến khâu kia. Vì vậy, chỉ một khâu vướng là ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân dự án.
- Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt thực thi nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Theo Bộ trưởng, cần có thêm những giải pháp gì?
* Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, không chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt, mà phải có những giải pháp căn cơ, lâu dài, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này phù hợp với yêu cầu phát triển. Một yếu tố rất quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh là phải chuẩn bị dự án từ sớm và thật kỹ càng, nghiên cứu và bổ sung quy định về một số khâu được thực hiện trước trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án để bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng.
Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị, nâng cao tính sẵn sàng và triển khai dự án.
Cùng với đó, bên cạnh yêu cầu chung là quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm… thì cần tìm đúng nguyên nhân của những điểm nghẽn đang làm chậm tiến độ thực hiện dự án; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật; nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp; xác định và xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Có như vậy, giải ngân vốn đầu tư công mới được cải thiện như mong muốn.