Giải pháp căn cơ bảo đảm nguồn cấp nước

Hiện nay, nguồn nước thô cung cấp cho hơn 10 triệu dân tại TPHCM được lấy từ sông Sài Gòn (tại trạm Hòa Phú, huyện Củ Chi, TPHCM) và sông Đồng Nai (trạm bơm Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nước đầu nguồn và ngập lụt do biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng đến nguồn cấp nước cho các nhà máy.

Nhiều tác động

Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, TPHCM là một trong 10 TP hàng đầu trên thế giới chịu nhiều tác động của BĐKH. Dự báo đến năm 2050, sẽ có hơn 70% diện tích đất của TP bị ảnh hưởng do ngập cực đoan. BĐKH đã và đang tác động rõ nét đến nhiều lĩnh vực như quy hoạch, giao thông, nông nghiệp… Trong đó, đáng quan ngại nhất là những tác động tiêu cực đến nguồn cấp nước. 

Hệ thống xử lý, cung cấp nước sạch tại Nhà máy nước B.O.O Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trên thực tế, các nhà máy xử lý nước và các nơi lấy nước ở phía Bắc của TP, dọc theo sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập cực đoan. Minh chứng rõ nhất là tình trạng gián đoạn cấp nước sạch tạm thời trong thời gian ngập và hư hỏng các phương tiện cấp nước. Về lâu dài, giới chuyên gia cũng cảnh báo, mạng lưới cấp nước của TP cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu tình trạng ngập thường xuyên xảy ra và thời gian ngập ngày càng kéo dài hơn. Giới phân tích của ADB cũng nêu rõ, huyện Cần Giờ là khu vực có thể bị ngập sâu 2 - 3m do tác động của BĐKH. Nếu có quy hoạch, mở rộng một đường ống cấp nước lớn đến bờ biển phía Nam của huyện, thì việc tiếp cận nguồn cấp nước cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều đó đòi hỏi các đơn vị đầu tư cấp nước cần có tính toán dự phòng cho trường hợp này.  


Hệ thống cấp nước của TP còn phải chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Hiện tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý của các nhà máy, khu công nghiệp dọc hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Thống kê kết quả quan trắc chất lượng nước do Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) thực hiện trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (gồm 4 sông chính: sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Thị Vải và sông Vàm Cỏ) từ năm 2008 đến nay cho thấy, nước mặt lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã bị ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực bởi chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, chất rắn lơ lửng và kim loại nặng. 

Tăng cường kiểm soát nguồn thải

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hồng, Phó Phân viện trưởng, Phân viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH, cho biết, đối với các đô thị lớn, đông dân cư, khả năng làm sạch dòng sông là bài toán khó, nên giải pháp căn cơ nhất là cần phải có hệ thống thu gom nước thải và đưa về nhà máy xử lý. Các sông, kênh rạch nào có mật độ dân cư cao, ô nhiễm nặng thì ưu tiên đầu tư xây dựng trước. Do ngân sách có hạn nên không thể làm trong ngắn hạn, mà phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. 

Mới đây, UBND TPHCM đã phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống cấp nước TPHCM giai đoạn 2020-2050”. Theo đánh giá của UBND TPHCM, TP có tốc độ đô thị hóa và tỷ lệ tăng dân số ở mức cao, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu về đời sống cần được nâng cao trong đó có nhu cầu nước sạch. Hiện nay, 100% dân số của TP đã được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch, nhưng hệ thống cấp nước TP vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một đô thị hiện đại. Việc cung cấp nước nước sạch trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn do tác động của sự phát triển kinh tế, xã hội dọc theo lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Tác động của BĐKH đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước thô cung cấp cho TP. Bên cạnh đó là áp lực về dân số tăng nhanh, hạ tầng cung ứng nước sinh hoạt cho TP không theo kịp. Do vậy, việc xây dựng đề án phát triển hệ thống cấp nước là rất cần thiết. 

Trong đề án phát triển hệ thống cấp nước, TP cũng đặt ra mục tiêu cơ bản như di dời các điểm khai thác nước thô lên phía thượng nguồn so với điểm khai thác hiện tại. Điểm mới này cách trạm Hòa Phú, ngã ba sông Thị Tính, sông Sài Gòn khoảng 15 - 20km. Điều này hạn chế tối đa các ảnh hưởng ô nhiễm nước thải sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ vào sông Thị Tính. Song song đó là các giải pháp về mở rộng, nâng công suất các nhà máy cấp nước hiện hữu; cải tạo cấu trúc mạng lưới chuyển tải và phân phối; giảm thất thoát nước sạch; hạn chế khai thác nước ngầm. Đặc biệt, TP đang hướng tới mục tiêu hệ thống cấp nước thông minh, uống nước tại vòi.

Theo kết quả quan trắc, chất lượng nước sông Sài Gòn có tỷ lệ vượt quy chuẩn Việt Nam theo từng năm dao động 24,1%-34,3%. Từ cửa sông Thị Tính (Bình Dương) về phía hạ lưu (nội thành TPHCM) bắt đầu tiếp nhận nước thải của các nhà máy sản xuất phân tán dọc sông Thị Tính, bao gồm nước thải loại hình chăn nuôi, chế biến mủ cao su… Ngoài ra, khu vực này cũng đang tiếp nhận lượng lớn nước thải sinh hoạt và công nghiệp khác từ các khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các quận huyện trên địa bàn TPHCM, nên chất lượng nước có xu hướng giảm dần. Hiện giá trị oxy hòa tan trong nước (DO) đo được tại khu vực này đã suy giảm nhanh chóng, hầu hết dưới 4mg/l (tỷ lệ giá trị DO không đạt quy chuẩn dao động 73,3%-86,7%). 

Còn với sông Đồng Nai, chất lượng nước có tỷ lệ vượt quy chuẩn theo từng năm dao động 12,3%-23,8%. Thông số có tỷ lệ vượt quy chuẩn cao nhất là chất rắn lơ lửng và kim loại nặng. Đặc biệt các tháng mùa mưa, do đặc trưng một lượng lớn đất đỏ bazan trên thượng nguồn bị lôi cuốn vào dòng nước làm cho nước mặt sông Đồng Nai chuyển sang màu nâu đỏ khi vào mùa mưa.

Tin cùng chuyên mục