Giải pháp bảo vệ môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

UBND TPHCM vừa chỉ đạo các sở, ngành chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. 
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: THÀNH TRÍ
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: THÀNH TRÍ
Trong đó, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM được giao nhiệm vụ tăng cường công tác vớt rác; bảo đảm nhân lực, trang thiết bị, phương tiện sẵn sàng để xử lý, thu gom, tiêu hủy cá chết khi có sự cố xảy ra trong giai đoạn đầu mùa mưa 2018. Liên quan đến nội dung này, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM đã có những trao đổi, chia sẻ về kế hoạch, giải pháp để góp phần bảo vệ môi trường khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. 
Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau một thời gian “hồi sinh”, hiện đang bị đe dọa ô nhiễm trở lại do rác người dân xả xuống kênh và lượng cá dưới kênh bị câu bắt trái phép. Trung bình mỗi ngày có đến 7 tấn rác và lục bình vớt được từ tuyến kênh. Dù đã có gắn bảng cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức nhưng vẫn còn nhiều người thả cần câu cá từ sáng tới khuya. Ngoài ra, hiện trên tuyến kênh có một số đoạn đang trong tình trạng bồi lắng do quá trình sinh hoạt của người dân hai bên ven kênh gây ra. Nước không được lưu thông, rác sinh hoạt đầy ắp... nên nảy sinh tình trạng tái ô nhiễm dưới đáy kênh; sau những trận mưa lớn trái mùa có hiện tượng cá chết nhiều trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. 
Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm soát chất lượng (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM), cho biết  khó khăn lớn nhất trong việc kêu gọi bảo vệ môi trường khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay đó là ý thức của người dân còn hạn chế, chưa nhận thức được những hệ lụy từ việc xả rác bừa bãi ra kênh mặc dù TP đã có những quy định, chế tài xử phạt đối với các hành vi xả rác bừa bãi cũng như việc đánh bắt cá trên kênh. Rác sinh hoạt luôn thải ra với số lượng lớn, lại là những thành phần khó xử lý nên gây khó khăn cho lực lượng thu gom rác trên kênh. Nhiều khi công nhân đang vớt rác và vô tình vướng phải lưỡi câu của người đi câu cá là bị chửi bới, thậm chí còn bị ném đá lên xuồng máy của công nhân. Để bảo vệ môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thời gian qua công ty đã thường xuyên cử công nhân túc trực 24/24 giờ thực hiện việc vớt rác, lục bình, thậm chí cả ngày lễ tết. Kịp thời ứng phó với các sự cố môi trường như cá chết, lục bình nhiều để xử lý nhanh và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, công ty cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ để nâng cao việc vớt rác, giảm lao động chân tay và lại nâng cao hiệu quả công việc. 
Không dừng lại ở đó, đối với việc nâng cao nhận thức cho người dân, công ty đã triển khai một số mô hình có chức năng vệ sinh môi trường đô thị như đội hình “Thực hiện vớt rác trên kênh”, đội hình “Hỗ trợ tổ chức sân chơi phân loại rác tại nguồn” cho đoàn viên, thanh niên; tổ chức 20 chương trình sân chơi phân loại rác tại nguồn cho đoàn viên, đội viên, học sinh tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; tổ chức “Hành trình trải nghiệm cuộc sống” (một ngày làm công nhân vệ sinh thu gom rác tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè). Bên cạnh đó, hàng năm công ty cũng phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức sự kiện Giờ Trái đất để thực hiện dự án Điểm đến xanh - làm xanh, sạch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thu hút khách du lịch đến tham quan. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục bố trí lực lượng công nhân túc trực thường xuyên để vớt rác, lục bình và xử lý các sự cố môi trường bất ngờ xảy ra. Đồng thời, công ty cũng phối hợp với  UBND các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đảm bảo xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả thải ra môi trường và xử lý nghiêm các trường hợp xả rác, đánh bắt bừa bãi cá trên kênh.

Tin cùng chuyên mục