Bà Maria Angelita Ressa sinh năm 1963, có gần 20 năm làm phóng viên điều tra tại Đông Nam Á, đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của tờ Rappler. Trong khi ông Dmitry Muratov, sinh năm 1961, là chủ bút của tờ báo tiếng Nga Novaya Gazeta, nổi tiếng với những bài báo chống tham nhũng và bảo vệ nhân quyền.
Theo hãng tin Reuters, ngay sau khi thông tin về giải Nobel Hòa bình được công bố, Điện Kremlin đã gửi lời chúc mừng nhà báo Dmitry Muratov. Trả lời báo chí, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Ông ấy kiên trì làm việc theo lý tưởng riêng và cống hiến vì những điều đó. Ông ấy là người tài năng và dũng cảm”. Chiến thắng của hai nhà báo nằm ngoài dự đoán vì họ không nằm trong số những ứng cử viên được coi là nặng ký cho giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay.
Trước đó, các công ty cá cược Anh Betfair và William Hill cho rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là ứng viên nhiều khả năng sẽ giành được giải Nobel Hòa bình 2021. Năm nay có 329 ứng viên được đề cử giải Nobel Hòa bình, bao gồm 234 cá nhân và 95 tổ chức. Những ứng viên sáng giá được đề cập đến là Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, nhà hoạt động môi trường Thụy Điển Greta Thunberg, Sáng kiến chia sẻ vaccine Covid-19 toàn cầu (COVAX), Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSSF).
Năm 2020, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) được vinh danh Giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực không mệt mỏi nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giảm tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trên thế giới.