PHÓNG VIÊN: Thưa ông, theo số liệu mà Bộ Tài chính cung cấp, giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán. Bộ Tài chính cho rằng việc thông báo kế hoạch vốn năm 2019 của các bộ, ngành và địa phương hiện rất chậm; mới đạt 48% kế hoạch vốn Quốc hội giao, khiến nhiều bộ ngành, địa phương không có vốn giải ngân, ngay cả cho các dự án cấp bách. Đây cũng là vấn đề đã được các nhà tài trợ đề cập đến tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019. Ông có bình luận gì?
Ông LƯU QUANG KHÁNH: Việc chưa phân bổ được hơn 50% nguồn vốn Quốc hội giao có nhiều nguyên nhân, trong đó có 3 nguyên nhân chủ yếu: thiếu vốn đối ứng, thiếu kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn ngay từ ban đầu nên không đủ cơ sở để giao kế hoạch vốn năm 2019 và chậm giải phóng mặt bằng. Với nguyên nhân đầu tiên, nhiều cơ quan, địa phương khi đăng ký ODA đã không tính toán kỹ khả năng thu xếp vốn đối ứng, nên vốn ODA thì có mà không tiêu được. Trong đó Bộ Giao thông Vận tải chiếm tỷ lệ vốn rất lớn, với một số dự án có nhu cầu vốn lớn nhưng vẫn đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư. Đơn cử, các dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2 TPHCM; dự án giao thông đô thị Hà Nội… đều đang trong quá trình làm thủ tục phê duyệt tăng tổng mức đầu tư, mà tăng xong thì mới đủ cơ sở pháp lý để phân bổ vốn.
Chậm do giải phóng mặt bằng diễn ra khá phổ biến, nhưng đây là vấn đề “thâm căn cố đế” của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung, chứ không chỉ là đối với các dự án sử dụng vốn ODA. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến một nguyên nhân rất căn bản là ngay từ ban đầu đã thiếu kế hoạch vốn của một số dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, mà đấy lại là cơ sở để phân bổ vốn cho năm 2019. Đây là lần đầu chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong khi nhiều chủ đầu tư vẫn giữ thói quen trước đây khi thực hiện các dự án có vốn ODA là thực hiện theo tiến độ và giải ngân theo khả năng cung ứng vốn của nhà tài trợ. Từ đó họ đã không chú ý đến việc đăng ký vốn sát nhu cầu; chưa hiểu rõ tầm quan trọng của đầu tư công trung hạn và giải ngân theo dự toán. Rất ít cơ quan đưa ra con số sát với nhu cầu của mình mà thường là hoặc thiếu, hoặc thừa, làm phát sinh nhu cầu điều chuyển từ chỗ thừa sang chỗ thiếu. Tóm lại, về cơ bản kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho các dự án đã đầy đủ, làm cơ sở cho Bộ KH-ĐT tham mưu Chính phủ, Thủ tướng giao nốt nguồn vốn còn lại. Ngoại trừ việc thiếu vốn đối ứng, còn các vướng mắc khác thì có thể xử lý được.
Nhưng rõ ràng đã qua 6 tháng mà kế hoạch vốn năm 2019 chưa được giao thì đúng là rất khó?
Giải ngân vốn ODA chậm không chỉ vì nguyên nhân giao vốn chậm. Thời gian qua, Bộ KH-ĐT đã trình Thủ tướng phương án giao chi tiết kế hoạch năm 2019 cho các bộ ngành, địa phương và kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 cho dự án đường sắt và đường bộ quan trọng; cấp bách sử dụng 15.000 tỷ đồng vốn dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020; dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư 2014-2016… Trong kế hoạch vốn nước ngoài năm 2019, đã có 28.000 tỷ đồng được giao nhưng sau 5 tháng, mới chỉ giải ngân được 2.000 tỷ đồng, tức chưa đầy 7%. Có thể thấy nguyên nhân căn bản, lớn nhất, không phải tại chậm giao vốn, mà có rất nhiều nguyên nhân khác nữa. Ví dụ như chậm hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chưa làm xong thiết kế cơ sở… Bệnh viện Chợ Rẫy tại TPHCM sử dụng vốn ODA Nhật Bản đã 2 năm chưa xong thiết kế cơ sở, mà không xong thì không thể lập dự toán, không thể tiến hành các bước tiếp theo được.
Cũng không thể không kể đến việc chậm ký kết hợp đồng cho vay lại thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Trong nguồn vốn ODA rót về đến các chủ đầu tư có một phần cấp phát từ Trung ương, một phần là vay lại theo nghị định của Chính phủ. Nếu Bộ Tài chính và các đơn vị được vay lại chậm ký kết hợp đồng, thì không xác định được chính xác ngân sách Trung ương cần cấp phát bao nhiêu. Phải đồng thời giải ngân 2 nguồn này một lúc mới được.
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA, theo ông, cần có những giải pháp nào?
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã trao thẩm quyền cho chủ tịch UBND tỉnh hoặc bộ trưởng được quyết định điều chuyển vốn giữa các dự án có cùng cơ quan chủ quản, chứ không phải trình Thủ tướng như bây giờ, rút ngắn hành trình thủ tục và tạo sự linh hoạt hơn trong điều chuyển vốn. Bộ KH-ĐT cũng đã tham mưu trình, Quốc hội đã xem xét và sắp tới Quốc hội sẽ có Nghị quyết về sử dụng dự phòng chung của cả nước đối với nguồn vốn nước ngoài. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 71 về Danh mục các dự án được sử dụng bổ sung vốn nước ngoài, Chính phủ đang xem xét ra quyết định. Bộ KH-ĐT còn đang chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài; đồng thời trình Thủ tướng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài và hiện đang nghiên cứu, xây dựng nghị định về viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.
Nhưng như tôi đã nói, giải pháp căn cơ nhất là các cơ quan, địa phương sử dụng vốn phải đăng ký đúng nhu cầu để kịp thời đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn làm cơ sở dự toán, phân bổ vốn.