Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài tại các địa phương mới đạt hơn 30%

Chiều 3-12, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức Hội nghị trực tuyến với 53 địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài (ODA) 11 tháng và các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, một số vấn đề vướng mắc trong quá trình giải ngân các dự án tại các địa phương là do giải phóng mặt bằng vướng mắc trong khâu đấu thầu hoặc hợp đồng thương mại.

Bên cạnh đó là việc chậm tiến hành nghiệm thu, thanh toán hoặc do thiếu kế hoạch vốn (cả cấp phát và vay lại) cũng chủ yếu thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh và các ban quản lý dự án khi đã lập kế hoạch vốn không sát với tiến độ thực hiện dự án và số vốn cần giải ngân, đặc biệt với các dự án sẽ kết thúc giải ngân trong năm 2024.

z6094088280298_7a631c4f2a34d5a2815aefd9de21770c.jpg
Hội nghị trực tuyến với 53 địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng và các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chiều 3-12. Ảnh: BTC

Tình trạng các địa phương tiếp tục chậm giải ngân vốn vay nước ngoài còn do nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, đề nghị sử dụng vốn dư (chiếm khoảng 22% tổng số dự án).

Theo nhận định của đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, với tình hình giải ngân hiện nay, việc đạt được tỷ lệ giải ngân 95% kế hoạch vốn được giao năm 2024 đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng là rất khó khả thi do thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều.

Báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho thấy, năm 2024, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn vay nước ngoài là hơn 24.800 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư công (vốn ngân sách Nhà nước cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương) là khoảng 11.000 tỷ đồng.

Số vốn được giao theo kế hoạch cho các địa phương năm 2024 thấp hơn nhiều so với năm 2023, chỉ bằng 70% kế hoạch vốn năm 2023, tương ứng số lượng dự án được giao kế hoạch vốn 2024 cũng chỉ bằng 58,3% năm 2023.

Theo thống kê, tính đến ngày 30-11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay ODA mới đạt 30,3% và Bộ Tài chính đánh giá tỷ lệ này khá thấp, khó đạt được yêu cầu của Chính phủ đặt ra, phấn đấu cả năm giải ngân 95% kế hoạch vốn năm 2024.

Bộ Tài chính cũng thông tin, kế hoạch vốn được giao thấp hơn năm 2023 nhưng các địa phương cũng không phân bổ hết kế hoạch vốn cho các dự án, hiện mới phân bổ được 93,7% kế hoạch vốn đầu tư công của ngân sách Trung ương và 79,28% kế hoạch vốn địa phương vay lại; chủ yếu do dự án đã kết thúc, không còn nhu cầu giải ngân hoặc dự án chưa hoàn thành các thủ tục điều chỉnh nên chưa có cơ sở phân bổ kế hoạch vốn.

Về giải ngân, có 6/53 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 60%, vẫn còn 5/53 địa phương vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024.

Tin cùng chuyên mục